Bạn phải trả giá trước thành công

Cái giá phải trả là công việc cực nhọc, sự hy sinh, nỗi đau, tổn thương, lòng nhẫn nại, tính kiên trì và sự từ chối.

Trong bán hàng và cuộc sống, ta phải trả giá trước cho thành công. Cái giá phải trả là công việc cực nhọc, sự hy sinh, nỗi đau, tổn thương, lòng nhẫn nại, tính kiên trì và sự từ chối.

Chắc chắn là có một vài người nhờ gặp may mắn mà thành công vang dội duy nhất một lần trong đời, và chúng ta thích đọc những câu chuyện về các triệu phú nhờ trúng số mà đổi đời. Nhưng theo ngôn ngữ thống kê, hy vọng theo kiểu “ngồi chờ sung rụng” là một chiến lược tệ hại sẽ chẳng bao giờ hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu, thăng tiến trong nghề nghiệp, xây dựng được một doanh nghiệp thành công, vươn tới các mục tiêu thu nhập và hoàn thành điều mình muốn, bạn phải trả giá, cái giá đó phải được trả trước, và không có cái giá nào lớn hơn cái giá của lời từ chối. Đó là lý do đa số mọi người không bao giờ vượt qua được hy vọng và giấc mơ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Medicalnewstoday.

Ảnh minh họa. Nguồn: Medicalnewstoday.

Nỗi sợ hãi bị từ chối lớn lao và mạnh mẽ đến nỗi nó kìm hãm con người, khiến chúng ta không đạt tới được thành công, hạnh phúc, sự mãn nguyện, của cải và thành tựu hơn hẳn so với các biến số khác. Nỗi sợ hãi bị từ chối hủy hoại những cuộc đời, khiến người ta gạt bỏ giấc mơ sang một bên để sống trong đau khổ thầm lặng, làm cho triệu triệu con người chìm đắm trong nỗi nuối tiếc trên giường bệnh chờ chết.

Lịch sử, dĩ nhiên rồi, được trải lên bởi những câu chuyện truyền cảm hứng về những con người phá vỡ xiềng xích của sự từ chối và gặt hái thành công vĩ đại.

Harland Sanders đi du lịch khắp đất nước trong lúc sống trong xe hơi, nấu món gà cho các chủ nhà hàng và bán rong 11 loại thảo mộc cùng gia vị. Người ta nói ông đã bị từ chối hơn 1.000 lần. Thế nhưng ông vẫn tìm đủ các lời chấp thuận để xây dựng Kentucky Fried Chicken thành một trong các thương hiệu mang tính biểu tượng nhất Trái đất.

Fred Smith đã vượt qua sự từ chối sau khi bị một giáo sư bảo rằng khái niệm giao hàng qua đêm của ông chẳng có giá trị, để rồi xây dựng đế chế FedEx cùng cả ngành công nghiệp theo sau nó.

Loạt truyện Harry Potter của J.K. Rowling từng bị từ chối nhiều đến mức ngỡ ngàng là 12 lần trước khi trở thành một trong những bộ sách đáng đọc nhất mọi thời đại và biến bà thành một tỷ phú.

Steve Jobs từng bị Hewlett-Packard và Atari từ chối trước khi khởi sự Apple cùng Steve Wozniak. Theo Jobs: “Thế là chúng tôi đã tới Atari và nói: ‘Này, chúng tôi có một thứ đáng ngạc nhiên, thậm chí nó còn được làm ra bằng một số linh kiện của ông, ông nghĩ sao về việc tài trợ cho chúng tôi? Hoặc là chúng tôi sẽ trao nó cho ông. Chúng tôi chỉ muốn làm nó. Hãy trả lương cho chúng tôi, chúng tôi sẽ tới làm việc cho ông’. Và họ nói: ‘Không’. Thế rồi sau đó, chúng tôi tới Hewlett-Packard, và họ nói: ‘Này, chúng tôi không cần các chú. Các chú còn chưa học xong đại học nữa là’”.

Sau thành công ban đầu với Apple, Jobs đã bị từ chối, làm bẽ mặt và ngay tức khắc bị sa thải khỏi công ty ông đã sáng lập. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều biết phần lịch sử còn lại của Apple. Câu chuyện ông quay lại đã trở thành một huyền thoại thời hiện đại.

Và đó là cách sự việc diễn ra, qua nhiều câu chuyện về các nhân vật nổi tiếng cùng những con người bình thường đã đẩy lùi được sự sợ hãi và nỗi đau bị từ chối để vươn tới giấc mơ của họ - dù lớn hay nhỏ. Chúng ta đều biết về những con người đã phải trả giá và không để cho bất cứ số lượng lời từ chối cũng như miệt thị nào làm họ phải từ bỏ giấc mơ.

Đừng bao giờ để bất cứ ai nói bạn không thể làm gì

Đây là sự khác nhau rõ ràng giữa những người này với hàng tỷ người đã để cho nỗi sợ bị từ chối trói buộc họ. Những con người đáng buồn này, nằm trên giường bệnh hấp hối, chìm sâu trong nỗi ân hận vì đã không có được dũng khí theo đuổi giấc mơ hay dùng tài năng vào trong công việc.

Nói thẳng thắn, hầu hết mọi người đều từ bỏ sau khi bị từ chối một lần, ít ai vượt qua đến hai lần, và có hàng triệu người không đếm xuể thậm chí còn chưa bao giờ mạo hiểm ngay từ đầu.

Trong cảnh ưa thích của tôi ở bộ phim The Pursuit of Happyness, nhân viên môi giới chứng khoán đầy tham vọng Chris Gardner (do Will Smith thủ vai) đã khuyên răn con trai của mình: “Đừng bao giờ để ai đó nói với con rằng, con không thể làm chuyện gì, ngay cả khi người đó chính là bố”.

Jeb Blount/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-phai-tra-gia-truoc-thanh-cong-post1482564.html