VICEM Hải Phòng nỗ lực vượt khó, phát triển sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong quản lý điều hành, bảo trì ngăn ngừa, đổi mới sáng tạo tiết giảm chi phí giá thành trong sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Văn Toan, Tổng giám đốc Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng cho biết, năm nay, việc tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu xi măng 6 tháng đầu năm 2024 toàn quốc khoảng 37,2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2023, trong đó xi măng nội địa khoảng 27,3 triệu tấn, giảm 4%; xi măng xuất khẩu khoảng 9,9 triệu tấn giảm 2% so với cùng kỳ. Đối với VICEM Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế đất nước và của ngành xi măng, đặc biệt là trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt của thị trường, nhu cầu xi măng toàn xã hội giảm mạnh nên thị trường xi măng ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng

Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất, tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần vốn cho nước ngoài. Cả nước hiện có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 117 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn/năm. Riêng trong năm 2023 nhiều nhà máy xi măng phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng sản xuất cả năm.

Đặc biệt, thuế xuất khẩu clanhke tăng gấp đôi từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023. Đây là khó khăn lớn cho việc bình ổn sản xuất bằng giải pháp xuất khẩu khi tiêu thụ nội địa giảm. Thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clanhke không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên nhiều đơn vị sản xuất xi măng không thể xuất khẩu sản phẩm do giá thu về không bù đắp được biến phí vì vậy tồn kho tăng cao, một số nhà máy (cả trong và ngoài VICEM) phải giảm công suất hoặc dừng lò nung để hạn chế đổ clinker ra bãi do càng sản xuất nhiều càng lỗ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh rất khó khăn đó, VICEM Hải Phòng đã cố gắng khắc phục, quyết tâm nỗ lực, duy trì ổn định chạy lò tăng cường công tác bảo trì ngăn ngừa, đổi mới sáng tạo tiết giảm chi phí giá thành trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề ra các giải pháp mạnh linh hoạt đột phá trong công tác thị trường để đưa xi măng vào tất cả các công trình trọng điểm của Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Lào Cai...

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng clinker sản xuất đạt 465.500 tấn, bằng 75% so với cùng kỳ và bằng 42% kế hoạch năm 2024; Xi măng tự sản xuất đạt 597.000 tấn, bằng 88% so với cùng kỳ và bằng 38,4% kế hoạch năm. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 1.077.000 tấn, bằng 84% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch năm, trong đó: xi măng tiêu thụ nội địa đạt 956.000 tấn, bằng 87% so với cùng kỳ và bằng 43% kế hoạch năm, Clinker tiêu thụ đạt 121.000 tấn, bằng 168% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 1.052 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng. Công ty duy trì việc làm và thu nhập ổn định gần 750 lao động với mức bình quân 18 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng trong điều kiện nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài nước đều giảm mạnh. Ngoài ra Công ty vẫn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, quan hệ cộng đồng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... duy trì khoảng trên 3,5 tỷ đồng.

Sản phẩm mới của VICEM Hải Phòng bên cạnh sản phẩm xi măng bao với thương hiệu “Con Rồng”

Sản phẩm mới của VICEM Hải Phòng bên cạnh sản phẩm xi măng bao với thương hiệu “Con Rồng”

Bên cạnh sản phẩm xi măng bao với thương hiệu “Con Rồng” đã được khẳng định chất lượng và được người tiêu dùng tin cậy, sản phẩm xi măng rời VICEM Hải Phòng cũng ngày càng được nhiều công trình lựa chọn, đặc biệt là những công trình trọng điểm của Quốc gia, của thành phố đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như: Sân bay Cát Bi, cầu Tân Vũ, Cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cầu Bến Rừng, cầu Máy Chai, Trung tâm Chính trị - Hành chính...

Trong sản xuất, VICEM Hải Phòng luôn hướng tới một VICEM xanh phát triển bền vững tuần hoàn đưa ra các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu tác động môi trường, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, giảm khí thải bụi thải, tận dụng nguyên liệu, phế thải thay thế các nguyên vật liệu không tái tạo. Đó là dự án đầu tư công trình tận dụng nhiệt khí thải để phát điện vừa giảm khí thải bụi thải vừa tận dụng nhiệt thừa để phát điện quay lại cho sản xuất, công suất lắp đặt: 5,0 MW mỗi năm tiết kiệm được khoảng 60 tỷ đồng tiền điện, dự kiến năm 2025 đưa vào hoạt động; Tăng cường sử dụng phế thải thay thế từ 8-10% bao gồm (tro bay, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao và thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu thay thế cho sản xuất xi măng); Sử dụng than nhiệt trị thấp như than cám 4b1, 4b.14, nhiệt trị từ 5.950 - 6.100 kcal/kg thay cho than cám 3c, 4a như trước đây.

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng nay (15/6), Thủ tướng nêu rõ, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng (VLXD) là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn... Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và VLXD tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị này, Bộ Xây dựng đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ VLXD trong thời gian tới như đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển. Cùng với tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững, cần tăng cường triển khai Đề án và các chương trình nhà ở khác.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho rằng, cần đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đối với công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất, đặc biệt là tại nhà máy sản xuất clanhke xi măng, để sử dụng cho sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng.

Ngoài ra, đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đầu tư các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao...

Mặt khác, bản thân từng doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng như cầu thị trường; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, điện, dầu, khí đốt; đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải từ các ngành khác để hạ chi phí sản xuất.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vicem-hai-phong-no-luc-vuot-kho-phat-trien-san-xuat-d217738.html