Vicem Tam Điệp và 'giấc mơ' thoát lỗ ngàn tỷ
Với hoạt động tái cấu trúc khẩn trương, sáp nhập về Vicem Bỉm Sơn để tận dụng lợi thế về thương hiệu, thị trường, lãnh đạo Vicem kỳ vọng, hết năm 2021, Vicem Tam Điệp sẽ thoát cảnh thua lỗ.
Thua lỗ triền miên
Sau gần 20 năm về với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Công ty TNHH MTV Vicem Tam Điệp vẫn chưa thoát cảnh thua lỗ. Cùng với Vicem Hải Phòng, Sông Thao, Hạ Long, Vicem Tam Điệp là một trong 4 gương mặt làm ăn không hiệu quả, trong hệ thống 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng của Vicem.
Vicem Tam Điệp tiền thân là Công ty Xi măng Ninh Bình, được thành lập năm 1995. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 97/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Tam Điệp - Ninh Bình với công suất 1,4 triệu tấn clinker/năm. Đến năm 2000, Dự án chính thức khởi công xây dựng. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo số 542/CP-CN về việc chuyển nhiệm vụ quản lý trực tiếp Dự án Xi măng Tam Điệp - Ninh Bình về Vicem.
Nhưng quá trình xây dựng kéo dài, mãi quý II/2005, nhà máy mới chính thức đi vào sản xuất, kinh doanh.
Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có cải thiện sau mỗi năm, như năm 2019 đạt 1.566 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15,9 tỷ đồng, đã tăng dần trong những năm gần đây, nhưng theo báo cáo tài chính của Vicem Tam Điệp, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp này vẫn giữ ở mức ngàn tỷ.
Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp lỗ 1.087 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.022 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2019 âm 32 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh yếu kém, cộng với tình hình tài chính không mấy sáng sủa, kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020 của Tam Điệp cũng không mấy khả quan. Đặt mục tiêu sản xuất 1,5 triệu tấn clinker và 1,55 triệu tấn xi măng, doanh thu cả năm là 1.496 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 20 tỷ đồng, nhưng qua 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ mới đạt 664 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 807 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 1,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 hơn 12 tỷ đồng).
Theo Ban lãnh đạo Vicem Tam Điệp, vẫn còn những vấn đề không dễ giải quyết, đó là dây chuyền sản xuất qua 15 năm hoạt động đã bắt đầu xuống cấp, xuất hiện một số sự cố.
Hết năm 2021 sẽ thoát lỗ
Giải thích cho tình trạng làm ăn không hiệu quả nhiều năm của Vicem Tam Điệp, Chủ tịch HĐTV Vicem, ông Bùi Hồng Minh cho biết, khi về với Vicem, đây là một đơn vị không có thương hiệu, vay nợ lớn, nhà máy lại có công suất trung bình, tọa lạc trong một vùng tiêu thụ khó khăn, với nhiều thương hiệu có thị trường bao phủ, nên dù kinh doanh có cải thiện, thì vẫn lỗ lũy kế nhiều năm nay.
Theo quyết toán vốn đầu tư xây dựng, giá trị quyết toán cho dự án này lên tới 2.822 tỷ đồng, trong đó, vốn Vicem cấp 17,686 tỷ đồng (tương ứng 0,62%), vốn ngân sách 39,328 tỷ đồng (tương ứng 1,39%), vốn vay là 2.765 tỷ đồng (tương ứng 97,98%).
“Nhà máy xi măng Tam Điệp được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, nhưng vốn tự có chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng, còn lại là đi vay để đầu tư, khó khăn mới chuyển về Vicem. Một dự án được đầu tư bằng vốn vay, áp lực trả nợ vốn vay lẫn lãi vay lớn nên khó chồng khó, thua lỗ là điều khó tránh khỏi”, ông Minh giải thích.
Công ty đã có nhiều cố gắng để phát huy công suất, tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng do chi phí tài chính (chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá) hàng năm quá lớn đã làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Trong suốt chặng đường tiếp nhận nhà máy xi măng Tam Điệp, Vicem đã thực hiện trả nợ cho doanh nghiệp này với khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng. Mặc dù còn lỗ lũy kế, nhưng không một ngày bị nợ quá hạn các tổ chức tín dụng.
Nhìn vào bảng biểu về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 3 năm gần nhất, Vicem Tam Điệp đều có lãi, nhưng số lãi chưa lớn. Để vực dậy doanh nghiệp yếu kém trong hệ thống sản xuất xi măng và thực hiện Đề án tái cấu trúc Tổng công ty, Ban lãnh đạo Vicem đã đề nghị Bộ Xây dựng sáp nhập Vicem Tam Điệp vào Vicem Bỉm Sơn nhằm “dựa hơi” doanh nghiệp mạnh, tạo ra sức mạnh cho xi măng Tam Điệp.
Việc cho sáp nhập thương hiệu này là một trong những bước đi cần thiết để vực dậy doanh nghiệp yếu kém, bởi chỉ sau 1 năm về với Bỉm Sơn, từ năm 2019, đã có những kết quả bước đầu.
Ông Minh kỳ vọng, với tiến độ tái cấu trúc hiện nay, hết năm 2021, Vicem Tam Điệp sẽ hoàn thành việc trả hết nợ nần, đồng thời, tái cấu trúc quản trị, nâng cao giá trị sản phẩm, khấu hao cũng cơ bản sẽ giúp Tam Điệp mạnh lên trong khối sản xuất xi măng của Vicem.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vicem-tam-diep-va-giac-mo-thoat-lo-ngan-ty-d129199.html