Video Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 6 thăm dò vùng tối Mặt trăng
Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 6 để thu thập mẫu vật ở vùng tối Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên con người thực hiện sứ mệnh này trong lịch sử thám hiểm Mặt trăng.
Theo hãng tin Reuters, tàu Hằng Nga 6 được tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Y8 phóng đi vào lúc ̀5h27 (giờ địa phương) từ trung tâm vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, tàu Hằng Nga 6 sẽ lấy mẫu vật đất đá từ Lưu vực Nam Cực - Aitken ở phía xa Mặt Trăng và là nơi luôn quay mặt ra xa Trái đất, sau đó nó sẽ lấy và trả lại các mẫu.
Sau khi tách khỏi tên lửa, tàu thăm dò sẽ mất 4 - 5 ngày để đến quỹ đạo của Mặt Trăng. Dự kiến vào đầu tháng 6, tàu sẽ đáp xuống Mặt Trăng.
Khi đến nơi, tàu Hằng Nga 6 sẽ dành 2 ngày để đào 2kg mẫu vật trước khi quay trở lại Trái Đất, và dự kiến hạ cánh xuống Nội Mông. Khoảng thời gian để tàu thăm dò thu thập mẫu vật ở xa là 14 giờ, so với 21 giờ ở khoảng cách gần.
Theo các chuyên gia, các mẫu vật này có thể giải đáp những câu hỏi về một giai đoạn quan trọng trong hoạt động của hệ Mặt Trời hàng tỷ năm trước.
Để có thể liên lạc trực tiếp về Trái Đất, tàu Hằng Nga 6 phải dựa vào một vệ tinh liên lạc chuyển tiếp đã được triển khai trước đó trong hành trình kéo dài 53 ngày.
Vụ phóng đánh dấu một cột mốc khác mang tính quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian và Mặt trăng của Trung Quốc.
Ông Pierre-Yves Meslin, nhà nghiên cứu người Pháp là thành viên tham gia một trong những mục tiêu khoa học của tàu Hằng Nga 6, chia sẻ “việc Trung Quốc có thể phát triển một chương trình đầy tham vọng và thành công như vậy trong thời gian ngắn là điều bí ẩn với chúng tôi”.
Tham vọng xây căn cứ trên Mặt Trăng
Bên cạnh việc thu thập thông tin mới về những thiên thể gần Trái đất, Hằng Nga 6 còn là một phần trong dự án dài hạn nhằm xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) do Trung Quốc và Nga dẫn đầu.
Việc xây dựng một trạm nghiên cứu như vậy sẽ tạo cơ sở cho Trung Quốc và các đối tác của nước này theo đuổi hoạt động thám hiểm vũ trụ sâu hơn.
"Chúng ta biết rằng Mặt Trăng có thể chứa các nguồn tài nguyên hữu ích trong tương lai, do đó Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), NASA, cơ quan vũ trụ Trung Quốc và các tổ chức trên thế giới đều hướng đến Mặt Trăng", ông James Carpenter, Trưởng phòng khoa học Mặt Trăng của ESA cho biết.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Không gian Trung Quốc 2024 diễn ra hồi tháng 4, nhà khoa học Ngô Vĩ Nhân, Trưởng nhóm thiết kế chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, cho biết "mô hình cơ bản" của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) sẽ được xây dựng vào năm 2035.
Chương trình khám phá không gian được xem là trọng tâm trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc, và là minh chứng cho sự tiến bộ về mặt công nghệ của nước này.