Việc ban hành văn bản chống dịch chưa thống nhất, gây khó khăn cho người dân

Việc ban hành các văn bản pháp luật của nhiều địa phương còn chưa thống nhất với quy định, hướng dẫn của Trung ương cũng như giữa các địa phương, đã gây ra những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của người dân...

Đó là nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, sáng 19/10.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: ĐBND

Dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho biết, nội dung báo cáo phản ánh tương đối đầy đủ, chân thực công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo cùng với MTTQ, các đoàn thể xã hội, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Xã hội cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19. Các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương còn chậm, chưa kịp thời, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản pháp luật của nhiều địa phương còn chưa thống nhất với quy định, hướng dẫn của Trung ương cũng như giữa các địa phương với nhau, qua đó gây ra những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của người dân...

Trên cơ sở đó, Ủy ban Xã hội kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, giám sát, các kênh ngoại giao nghị viện để thúc đẩy ngoại giao vaccine; tiếp tục tăng cường hoạt động của Tổ công tác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, để giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm đến 11 nhóm kiến nghị của Ủy ban nêu trong báo cáo thẩm tra, trong đó có việc tổng kết việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để đề xuất sửa đổi các chính sách pháp luật có liên quan; khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Trên cơ sở chiến lược này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thích ứng, an toàn, linh hoạt ứng phó với đại dịch COVID-19, đưa lĩnh vực phụ trách trở lại trạng thái bình thường mới.

Ủy ban đề nghị Chính phủ đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện tốt việc động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích trong phòng, chống dịch. Chính phủ ưu tiên nguồn lực cho ngành Y tế, đặc biệt là củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; sớm rà soát, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch cũng như người bị di chứng sau điều trị COVID-19; đánh giá các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp; sớm có phương án đưa học sinh, sinh viên quay lại trường học an toàn...

Sau khi các đại biểu thảo luận, kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sớm tạo nguồn vaccine tiêm phòng cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-ban-hanh-van-ban-chong-dich-chua-thong-nhat-gay-kho-khan-cho-nguoi-dan-post162298.html