Việc bán không công bố trước 74,8 triệu cổ phiếu FLC và những hệ lụy

Ông Trịnh Văn Quyết bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng sau khi tái phạm lỗi bán lượng cổ phiếu FLC lớn mà không thông báo trước, gây ra hậu quả là hàng loạt cổ phiếu 'nằm sàn', chỉ số VN-Index mất mốc 1.500 điểm, hàng triệu nhà đầu tư bị 'đánh úp' bất ngờ…

Ông Trịnh Văn Quyết đã bán cổ phiếu FLC không công bố trước.

Ông Trịnh Văn Quyết đã bán cổ phiếu FLC không công bố trước.

Quên công bố do… lỗi của tổ thư ký (?!)

Liên quan vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC (sở hữu các mã chứng khoán: FLC, ROS…) bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo trước hôm 10/1, đến trưa 12/1, một số nhà đầu tư chứng khoán đã nhận được tin nhắn thông báo hoàn trả tiền từ đợt mua cổ phiếu FLC hôm 10/1. Cụ thể, một công ty chứng khoán đã thực hiện hủy kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC trên tài khoản và hoàn trả tiền ngay trong ngày 12/1 cho nhà đầu tư.

Việc hoàn trả này được thực hiện theo Thông báo 436/VSD-TTBT.NV của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về điều chỉnh thông tin thanh toán giao dịch đối với mã FLC ngày 10/1.

Vào ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã thông báo sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết. Bộ Tài chính cũng ra quyết định phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán của Chủ tịch FLC cho đến khi có quyết định xử lý của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trước đó, tại phiên giao dịch chiều 10/1 đã xảy ra tình trạng hy hữu: thị giá của hàng loạt mã cổ phiếu vừa và nhỏ giảm mạnh, nhiều mã đang tăng trần bỗng “nằm sàn” la liệt. Nguyên nhân là do áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau chuỗi ngày ghi nhận cổ phiếu tăng nóng, song đáng chú ý là áp lực giao dịch của gần 135 triệu cổ phiếu FLC được mua bán trao tay ngay trong phiên.

Sau đó, nhiều nhà đầu tư phát hiện trên website của FLC có bản công bố thông tin ông Trịnh Văn Quyết công bố bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10/1 đến 17/1. Thông báo được ký ngày 5/1, nhưng trên hệ thống của HoSE lại không hề có thông báo này.

Tiếp đó, thông tin ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 được hé lộ. Vụ việc đã tạo ra sóng gió trên thị trường chứng khoán những ngày sau đó. Mở đầu phiên giao dịch sáng 11/1, có tới 5/7 cổ phiếu “họ FLC” bị nhà đầu tư đồng loạt “thoát hàng”. Hậu quả là, FLC có lúc bị giảm sàn xuống mốc 19.700 đồng, mã ROS (Xây dựng FLC Faros) trắng bên mua, giảm sàn còn 13.900 đồng; HAI (Nông dược H.A.I) trắng bên mua và rớt xuống giá sàn 9.210 đồng; AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) giảm giá sàn 9.580 đồng, KLF (Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu CFS) trắng bên mua, giảm sàn còn 9.500 đồng…

Riêng mã FLC tiếp tục đạt thanh khoản kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp với 155 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng lượng giao dịch của mã này trong hai ngày 10, 11/1 đạt 290 triệu đơn vị, tương đương 41% tổng khối lượng lưu hành của cổ phiếu FLC hiện nay. Trong khi đó, với số lượng cổ phiếu FLC đã thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ túi khoảng 1.650 tỷ đồng.

Giải trình cho vụ việc nói trên, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết nói rằng, do ông đi công tác, đã giao việc công bố thông tin cho tổ thư ký nhưng bộ phận này “quên không gửi công bố thông tin”.

Cần xử lý nghiêm

Thực tế, đây không phải lần đầu Chủ tịch Tập đoàn FLC bán cổ phiếu mà không thông báo trước. Trước đó, vào tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt ông Trịnh Văn Quyết vì hành vi bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội cho biết, đã từ rất lâu rồi anh không đầu tư cổ phiếu nào thuộc “họ FLC”.

Giám đốc một công ty chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh nhận định, hành động thao túng cổ phiếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của những thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên như Việt Nam. Nó làm lũng đoạn thị trường, khiến thị trường kém bền vững, gây thiệt hại và mất niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có cả những cổ đông của FLC; do đó cần xử lý thật nghiêm minh để thanh lọc thị trường.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, thị trường chứng khoán là nơi việc đầu tư, mua bán cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin. Việc tuân thủ quy trình mua bán cũng như bảo mật, tiết lộ thông tin, công bố thông tin… nhằm bảo đảm thị trường diễn ra lành mạnh, minh bạch. Do đó, mọi hành vi che giấu, lũng đoạn thông tin đều là vi phạm pháp luật.

Việc một Chủ tịch tập đoàn lớn, có chuyên môn về luật như ông Trịnh Văn Quyết lại viện lý do “quên” công bố thông tin của tổ thư ký là khó hiểu và khó chấp nhận. Tuy vậy, theo luật sư Truyền, hiện nay khung khổ pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán vẫn còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, nên mới để xảy ra tình trạng kiếm lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt số tiền ít ỏi.

Cụ thể, Điều 4 Nghị định 156 chỉ quy định hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1-12 tháng, vi phạm xảy ra thì mới đình chỉ, chứ không phải hủy bỏ giao dịch vi phạm...

Tuy nhiên, cũng cần xem xét Điều 306 Nghị định 155/2020. Điều luật này quy định các biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, các vi phạm tại Điều 7 và Điều 4 Luật Chứng khoán có thể khiến cá nhân vi phạm bị cấm chào bán, phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

“Điều 209 Bộ luật Hình sự thậm chí còn bỏ tù người vi phạm. Theo đó hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, có thể bị tù đến 2 năm và phạt tiền đến 5 tỷ đồng”, luật sư Truyền nhấn mạnh.

HOÀNG THẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte-taichinh/viec-ban-khong-cong-bo-truoc-74-8-trieu-co-phieu-flc-va-nhung-he-luy-682350/