Việc bảo vệ môi trường giúp Apple kiếm tiền như thế nào?
Cách mà 'táo khuyết' chuyển đổi xanh đang giúp hãng vừa thu về lợi nhuận, vừa tạo được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng và giới chức các nước.
Từng sự thay đổi đều mang về lợi nhuận
Tại buổi lễ ra mắt iPhone 15, Apple đã dành hẳn 5 phút 25 giây để trình chiếu một đoạn tiểu phẩm ngắn có tên “Mẹ thiên nhiên”. Trođó, CEO Tim Cook đã phải “căng mình” trả lời những câu hỏi xoay quanh vấn đề bảo vệ môi trường từ nhân vật “mẹ thiên nhiên” do nữ diễn viên Octavia Spencer thủ vai.
Trong video, Apple đã tái khẳng định cam kết trung hòa lượng carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm của mình vào năm 2030. Các mẫu Apple Watch mới là những sản phẩm đầu tiên của hãng đạt được thành tựu trên. Hiện hãng đã cắt giảm hơn 45% lượng khí thải, kể từ năm 2015.
Không phải ngẫu nhiên mà Apple trở nên thân thiện và quan tâm nhiều tới môi trường đến như vậy. Từng nước đi đều đã nằm trong tính toán của “táo khuyết” và đó là lý do công ty có thể chạm mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD.
Việc bảo vệ môi trường không chỉ giúp hãng cải thiện hình ảnh trong hoạt động truyền thông, marketing mà còn giúp công ty tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ. Vào năm 2020, khi Apple bán ra dòng iPhone 12, hãng đã loại bỏ củ sạc và tai nghe đi kèm trong hộp.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong thế giới công nghệ. Ngay cả những chiếc điện thoại giá rẻ cũng có đầy đủ phụ kiện kèm máy, thậm chí nhiều hãng còn tặng thêm cả miếng dán màn hình và ốp lưng. Người dùng khi ấy đã phản ứng dữ dội khi biết tin một chiếc điện thoại có giá hơn 1.000 USD như iPhone 12 Pro Max lại thiếu đi những phụ kiện đi kèm tối thiểu như vậy.
Apple đã tính đến các phản ứng của công chúng. Ngay trong sự kiện ra mắt, hãng đã tuyên bố động thái cắt giảm trên sẽ hạn chế việc khai thác các nguồn tài nguyên của Trái Đất. Theo thống kê của hãng, 550.000 tấn quặng đồng, thiếc và kẽm đã được tiết kiệm kể từ khi phụ kiện này không còn đi kèm trong hộp iPhone 12.
Tuy nhiên, dù hãng đã bỏ củ sạc và tai nghe nhưng giá máy thì vẫn không đổi. Theo Daily Mail, điều này đã giúp Apple giảm được khoảng 35 USD chi phí trên mỗi chiếc iPhone mà công ty bán ra. Tính từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, Apple bán được khoảng 190 triệu chiếc iPhone. Qua đó, số tiền mà hãng đã tiết kiệm được có thể lên đến 6,5 tỷ USD.
Ngoài ra, việc ngừng tặng kèm tai nghe (bản có dây) cũng giúp Apple thay đổi thói quen của người tiêu dùng và kích cầu đối với dòng sản phẩm tai nghe không dây AirPods.
Hoặc như mới đây, với dòng sản phẩm Watch Series 9, Apple đã thiết kế bao bì nhỏ gọn hơn theo định hướng tiết kiệm nhiên vật liệu. Nhờ đó, số lượng sản phẩm vận chuyển trong mỗi chuyến hàng đã được tăng thêm 25%, góp phần cắt giảm chi phí logistic.
Xu hướng không thể chối bỏ
Động lực bảo vệ môi trường của Apple còn xuất phát một phần từ những động thái siết chặt quy định tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đi đầu là Liên minh châu Âu (EU).
Ví dụ như từ năm 2024, khối này sẽ chính thức áp dụng quy định buộc các nhà sản xuất thiết bị phải sử dụng một chuẩn cổng kết nối chung là USB type C. Điều này sẽ làm giảm thiểu lượng rác thải điện tử khổng lồ từ các loại dây và cục sạc cũ, cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu.
Trước quy định trên, Apple đã phải bỏ cổng sạc lightning trên các dòng iPhone 15. Sự thay đổi này khiến hãng thất thu một khoản không nhỏ từ việc bán phụ kiện. Tuy nhiên, nếu so với việc bị cấm bán iPhone ở EU, công ty vẫn sẵn sàng chấp hy sinh lợi nhuận của mình.
Trước các lợi ích và quy định mới về bảo vệ môi trường, nhiều hãng công nghệ cũng đã học hỏi theo Apple. Chẳng hạn như Samsung, hãng cũng đã cắt bỏ củ sạc và tai nghe tặng kèm trong hộp đối với các dòng máy cao cấp. Ngoài ra, công ty đến từ Hàn Quốc còn đặt mục tiêu vận hành các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn hoàn toàn bằng năng lượng sạch vào năm 2050.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh sẽ dần trở thành yêu cầu bắt buộc mà những công ty công nghệ phải đáp ứng. Ngay cả những cả những doanh nghiệp lớn như Apple hay Samsung cũng không phải ngoại lệ.
Phía “táo khuyết” cho biết hơn 300 nhà sản xuất của họ đã cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon. Nếu muốn “lọt vào mắt xanh” của những “ông lớn” công nghệ, các doanh nghiệp cung ứng sẽ phải có những động thái chuyển đổi xanh để thích ứng với nền kinh tế mới.
Xét tại Việt Nam, đây lại là một thực trạng buồn. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, rất ít doanh nghiệp có mô hình, chiến lược rõ ràng về đến chuyển đổi xanh, ESG. Nhiều lãnh đạo công ty thừa nhận bản thân không nắm rõ các thông tin và chính sách mới về kinh tế xanh.