Việc cần làm để ngăn dịch Covid-19 bùng phát
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc phát hiện người nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới Tây Nam là yếu tố quan trọng trong thời điểm này.
Sau chuyến công tác kiểm tra thực tế tình hình chống dịch Covid-19 tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau từ 22-23/4, chia sẻ với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin về việc ứng phó nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực biên giới Tây Nam Bộ.
Kêu gọi người dân ở nước ngoài không về Việt Nam
- Trước sự bùng phát dịch Covid-19 mạnh mẽ tại các nước láng giềng, Bộ Y tế đã có chỉ đạo như thế nào đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và biên giới Tây Nam?
- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước láng giềng, Bộ Y tế thành lập 5 đoàn công tác do bộ trưởng và 4 thứ trưởng dẫn đầu đến các địa phương để làm việc với các tỉnh. Mục đích chuyến kiểm tra này của chúng tôi là đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh này.
Chúng tôi trực tiếp làm việc và chỉ đạo các địa phương tăng cường kết hợp với lực lượng bộ đội, công an để rà soát, phát hiện kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép. Mục đích là phát hiện sớm, kịp thời xử lý và cách ly theo quy định.
Chúng tôi cũng đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh khi xâm nhập vào cộng đồng. Đặc biệt, chúng tôi tuyên truyền cho người dân việt Nam ở các láng giềng để bà con yên tâm sống và làm việc tại nước bạn.
Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo gia đình có thân nhân ở nước ngoài hợp tác, hạn chế việc người dân ở các nước láng giềng quay trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện triệt để 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vaccine ngừa Covid-19.
- Qua kiểm tra thực tế, ông có đánh giá gì công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương?
- Chúng tôi cho rằng về cơ bản, các tỉnh đã có sự chuẩn bị rất tốt trong công tác ứng phó phòng, chống Covid-19. Ngoài ra, các địa phương cũng có sự chuẩn bị tốt nhằm đảm bảo an toàn trong công tác bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam Bộ cần có sự tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, giám sát để kịp thời phát hiện, cách ly, xử lý đối tượng vượt biên trái phép.
Đồng thời, các tỉnh cần chuẩn bị thêm các dụng cụ ở khu cách ly để làm sao để quản ý chặt chẽ hơn, chẳng hạn bố trí camera. Đặc biệt, các tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền người dân để phòng chống dịch Covid-19, nhất là tuyên truyền trước khi tiêm vaccine để người dân hiểu rõ được tác dụng của vaccine và phối hợp với cơ sở y tế.
Bộ Y tế hỗ trợ địa phương chống dịch
- Các tỉnh đều có nhu cầu được hỗ thiết bị để nâng cao năng lực xét nghiệm, quan điểm của Bộ Y tế thế nào?
- Chúng tôi cho rằng đây là đề xuất chính đáng. Xét nghiệm đóng rất vai trò trong việc phát hiện nhanh người dương tính với virus SARS-CoV-2. Qua đó, chúng ta có thể khoanh vùng kịp thời, dập dịch khẩn trương. Đây cũng là biện pháp quan trọng trong việc theo dõi, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh Covid-19.
Quan điểm của Bộ Y tế là ủng hộ đề xuất này. Với kinh phí hiện tại, chúng tôi cho rằng các tỉnh cần chủ động đầu tư để nâng cao năng lực xét nghiệm. Về phía trung ương, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao có chương trình để hỗ trợ máy cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khó khăn.
- Ông đánh giá thế nào về việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 ở nước ta? Bộ Y tế có khuyến cáo gì trước tâm lý người dân chủ quan đã có vaccine nên không tuân thủ quy định phòng, chống dịch?
- Chúng ta phải khẳng định rằng mấu chốt trong phòng chống Covid-19 là "vaccine + 5K". Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các lợi ích của vaccine trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế tổ chức biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn trên toàn quốc về tiêm chủng vaccine Covid-19. Ban An toàn vaccine cũng được thành lập với đường dây nóng, trang thông tin để hướng dẫn, giải đáp cho các cơ sở.
Chúng ta đã tổ chức tiêm vaccine cho hàng chục nghìn người. Điều này cho thấy vaccine là an toàn, không có gì phải quá lo lắng như một số người nghĩ.
Tuy nhiên, chúng ta cần tiến hành đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, từ khâu khám sàng lọc, giải thích, tiêm đến kết hợp theo dõi sau tiêm. Các điểm tiêm chủng cũng phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc cấp cứu..., để ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra.
- Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, ngành y tế địa phương có phản ánh trong quá trình tiếp nhận trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài là trẻ em, không có người lớn đi cùng và cơ sở phải tăng cường y bác sĩ chăm sóc. Bộ Y tế có phương án gì để giải quyết tình trạng này?
- Trước hết, chúng tôi hết sức chia sẻ với các địa phương về những khó khăn đang phải đối mặt, đặc biệt là các tỉnh kinh tế còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng.
Chúng tôi sẽ kiến nghị với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để hoàn chỉnh về mặt pháp chế, qua đó có cơ chế chi trả, bồi dưỡng cụ thể hơn cho các cán bộ, nhân viên tham gia công tác phòng, chống dịch, phụ trợ cho những người đang làm việc ở khu cách ly phù hợp.