Việc cần làm để ngăn dịch sởi lan rộng cả nước

Kể từ thời điểm TP.HCM công bố dịch sởi hồi tháng 8, số ca mắc vẫn trên đà gia tăng. Đáng nói, đa số trẻ mắc chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine sởi.

Tại Hội nghị trực tuyến về Công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm hôm 28/11, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. Số trường hợp tử vong ghi nhận tại TP.HCM (4), Đồng Nai (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1). So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn gấp 111 lần.

Đáng chú ý, đa số trường hợp mắc là trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine chứa thành phần sởi.

 Diễn tiến ca nghi sởi theo tuần năm 2024 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.

Diễn tiến ca nghi sởi theo tuần năm 2024 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.

Tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca vẫn tăng

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết số ca bệnh sởi và sốt phát ban gia tăng mạnh. Tích lũy từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận khoảng 16.500 ca sốt phát ban và sởi. Số ca mắc ghi nhận cao nhất ở Đồng Nai với hơn 3.000 trường hợp, TP.HCM là hơn 2.700 ca.

Đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho hay tỷ lệ triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ của tỉnh đạt 97% nhưng các ca sởi được ghi nhận có tới 80-90% trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine sởi.

"Việc tiêm vaccine sởi cho trẻ 1-10 tuổi đã được rà soát trong thời gian qua, chiếm 86%, trong đó TP.HCM có tỷ lệ tiêm rất cao (97%). Thế nhưng, số ca mắc sởi trong độ tuổi này không có xu hướng giảm", TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh.

Nhận định nguyên nhân của tình trạng này, ông Thượng cho rằng đối tượng tiêm chủng được rà soát thông qua Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia chưa được quản lý hết. Còn rất nhiều trẻ không triển khai tiêm được vaccine, đa số trong các gia đình có biến động dân cư.

 Một bệnh nhi được điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Khương Nguyễn.

Một bệnh nhi được điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Khương Nguyễn.

Qua khảo sát có tới 27% phụ huynh không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine, 23% trẻ trên địa bàn không nằm trong danh sách tiêm vaccine. Như vậy, đối tượng cần được tiêm đang bị bỏ sót nhiều.

"Đây chính là nguyên nhân khiến số ca mắc sởi vẫn gia tăng nhanh trong thời gian qua dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cao", Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nói.

Nguy cơ không chỉ ở phía Nam mà sẽ bùng phát ở nhiều khu vực trên khắp cả nước nếu vấn đề miễn dịch cộng đồng với sởi chưa được giải quyết

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, dự đoán số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng. Ông nhận định nguy cơ không chỉ ở các địa phương phía Nam mà sẽ bùng phát ở nhiều khu vực trên khắp cả nước nếu vấn đề miễn dịch cộng đồng với sởi chưa được giải quyết.

Nguyên nhân là "lỗ hổng tiêm chủng" khi có một thời gian dài Chương trình Tiêm chủng mở rộng thiếu vaccine, trong khi đó, ý thức tiêm chủng của người dân không nhiều, lo cơm áo gạo tiền, chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, dịch sởi sẽ diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

"Khi biết được quy luật, chúng ta phải cùng nhau phòng tránh. Nguồn lây của bệnh không qua trung gian với tốc độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã có vaccine, dịch bùng phát hay không là phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phòng bệnh của mỗi người. Vì vậy, việc chống dịch sởi không bao giờ là muộn", BS Khanh nhấn mạnh.

Tiêm vaccine phòng sởi càng sớm càng tốt

Theo Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, người dân cần tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người mắc các bệnh lý mạn tính như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. Điều quan trọng là tiếp tục rà soát tất cả người có nguy cơ mắc bệnh đang nằm ngoài diện bao phủ tiêm vaccine để tiêm vét, tiêm bù. Người dân chưa tiêm vaccine phòng sởi đủ thì cẩn thận khi đến các cơ sở y tế.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các phụ huynh cần đưa con em tiêm đầy đủ mũi, đúng lịch. Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm vaccine để phòng mắc bệnh, tránh lây lan cho những người xung quanh.

Đặc biệt, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm vaccine để bảo vệ thai kỳ và truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé trước khi đến tuổi tiêm ngừa.

 TP.HCM chính thức triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM chính thức triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Ảnh: Duy Hiệu.

"Ngoài trẻ em, người lớn cũng là nguồn lây bệnh nhưng các triệu chứng có thể không điển hình như không mệt mỏi hoặc sốt cao như trẻ nhỏ, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường khiến việc phát tán virus khó kiểm soát. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cần đạt độ bao phủ ít nhất 95% mới tạo được miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa virus sởi tiếp tục lây lan", bác sĩ Chính cho hay.

Tại TP.HCM, số ca mắc sởi ở trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi đang gia tăng, vaccine sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, do đó phụ huynh có thể đưa con đi tiêm sớm để phòng bệnh sớm.

"Chỉ trong một tuần sau khi triển khai tiêm vaccine sởi chống dịch cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, các trung tâm VNVC tại TP.HCM ghi nhận lượng tiêm vaccine sởi cho đối tượng này tăng đột biến, đạt gần 5.000 lượt tiêm", BS Chính thông tin.

Theo chuyên gia này, mũi 0 vaccine sởi tiêm từ 6 đến 9 tháng tuổi được xem là mũi vaccine chống dịch, giúp trẻ tăng cường phòng bệnh sởi, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Vaccine dành cho trẻ dưới 9 tháng tuổi an toàn, nếu có phản ứng thì thường là sốt nhẹ, đau ở vị trí tiêm.

Kết quả nghiên cứu của WHO trên hơn 2.000 trẻ cho thấy mũi tiêm sớm này giúp trẻ có miễn dịch từ 65-85%. Khi đủ từ 9 tháng tuổi trở lên, trẻ cần tiêm tiếp các mũi vaccine sởi để tăng cường hiệu quả miễn dịch.

Phương Anh - Thuận Nguyễn

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/viec-can-lam-de-ngan-dich-soi-lan-rong-ca-nuoc-post1514633.html