Việc cần làm sau khi xe lội nước

Sau khi xe lội nước, việc đầu tiên chủ xe cần làm là mở nắp capo kiểm tra xem xe có rác hoặc túi nilon, lá cây trôi vào bên trong khoang máy hay không.

Lý do là khoáng máy thường không kín ở phía dưới cho nên việc lội nước có thể khiến rác mắc kẹt ở vị trí này. Do đó cần loại bỏ rác để phòng chống chuột phá hoại khoang máy và chống cháy nổ.

Kiểm tra động cơ và khoang máy

Động cơ là trái tim của xe, vì vậy hãy chắc chắn rằng nó còn khỏe mạnh trước khi khởi hành tiếp. Hãy mở nắp capo và quan sát, nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, nguy cơ rất cao là xe đã bị nước lọt vào động cơ.

Kiếm tra động cơ và khoang máy sau khi xe lội nước. (Ảnh minh họa).

Kiếm tra động cơ và khoang máy sau khi xe lội nước. (Ảnh minh họa).

Để chắc chắn rằng động cơ ô tô còn hoạt động tốt, hãy kiểm tra bằng cách thử nổ máy tại chỗ và để ý xem động cơ có hoạt động mạnh hơn hoặc đột ngột lịm đi hay có các tiếng động lạ không. Nếu phát hiện thấy có bất kỳ điều gì bất thường, hãy lấy que thăm dầu kiểm tra xem dầu máy có bị vào nước hay không.

Nếu quan sát que thăm dầu thấy màu sắc dầu máy giống với màu cà phê sữa thì dầu động cơ đã bị nhiễm nước. Trong trường hợp này cần thay dầu mới, lọc mới, mở bugi ra và khởi động xe cho nước bên trong bị đẩy hết ra ngoài, sau đó dùng béc gió thổi khô, lắp lại và khởi động xe để ép nước bên trong động cơ ra ngoài.

Ngoài dầu máy, lái xe cần kiểm tra thêm các chất lỏng khác như dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước mát, kiểm tra xem lọc gió có bị ướt hay không..

Kiểm tra phanh

Khi đi qua vùng ngập nước đĩa phanh có thể bị ướt và gây ra hiện tượng phanh bị dính nếu đỗ xe qua đêm và kéo phanh tay. Để phòng ngừa hiện tượng này, chủ xe có thể tìm nơi khô ráo như hầm xe và đạp phanh liên tục khi di chuyển để bộ phận phanh tự khô trước khi đỗ. Như vậy sẽ làm khô phanh để chống bó cứng phanh.

Hệ thống điện cũng cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Nước có thể làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống điện và điện tử trên xe, kéo theo những hư hỏng mang tính dây chuyền. Khi bị ngâm nước, hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút, bộ điều khiển những trang bị như đèn xe, hệ thống giải trí, ghế chỉnh điện, loa…

Hãy kiểm tra kỹ các bộ phận như cầu chì, hộp điều khiển và hệ thống đèn xe để xem chúng có bị hư hại gì không. Nếu có vấn đề gì xảy ra, hãy ngắt điện khỏi ắc quy và nhanh chóng gọi cứu hộ.

Kiểm tra nội thất

Sau khi đã đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước, hãy kiểm tra nội thất vì nếu lọt nước vào nội thất sẽ gây phá hủy rất nhanh. Các chi tiết mềm của xe như tấm lót, đệm ghế ngồi luôn là những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi nó hút và giữ nước rất mạnh.

Do vậy, việc làm tiếp theo là vệ sinh thảm, ghế và những vị trí có chất liệu bằng da, vải bên trong xe vì đây là những nơi dễ gây ẩm mốc và gây mùi khó chịu nếu ngấm nước mà không được phơi khô. Do đó cần dùng khăn kho sạch để lau chùi. Sau khi dọn nội thất xong, nên mở hé cửa kính để tạo không khí thông thoáng và mau khô. Nên chuyển sang dùng thảm bằng cao su trong mùa mưa để tránh ẩm mốc.

Cuối cùng, đừng quên kiểm tra khu vực để lốp dự phòng. Nếu thấy có nước, hãy làm khô ngay lập tức. Bởi nếu để nước đọng lâu ở khu vực này, các bộ phận kim loại của lốp dự phòng và các dụng cụ khác sẽ bị gỉ sét, hư hỏng.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viec-can-lam-sau-khi-xe-loi-nuoc-ar881551.html