Việc di dời, thay đổi hiện vật trong di tích: Phải được cụ thể hóa bằng chế tài
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), với rất nhiều đề xuất sửa đổi quan trọng liên quan đến phục dựng di tích, đưa thêm, di dời hiện vật trong di tích, hồi hương cổ vật, cơ chế ưu đãi cho bảo tàng tư nhân...
Cấm đưa các linh vật ngoại lai vào di tích lịch sử, văn hóa
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn tỉnh Nam Định) cho biết, vừa qua khi khảo sát thực tế ở địa phương về vấn đề quản lý, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, có một ngôi mộ của một vị trạng nguyên trước mộ đặt hai con sư tử đá. Đoàn khảo sát đã yêu cầu đơn vị quản lý đó phải di dời hai sư tử đá ra khỏi khu vực mộ của trạng nguyên. Vì đây là những linh vật ngoại lai, không theo phong tục, tập quán của người Việt Nam.
“Tôi đọc lại luật, thì không có quy định nào về vấn đề cấm đưa các linh vật ngoại lai, không phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam vào trong các di tích lịch sử, văn hóa. Tôi đề xuất Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm đưa các linh vật ngoại lai vào di tích lịch sử, văn hóa”, đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Nam Định cũng đề cập đến các quy định về bảo đảm giữ gìn yếu tố gốc cấu thành của di tích. Theo ông, đây đang là một việc cực kỳ vướng mắc trong thực tế khi các địa phương muốn tu bổ, phục hồi các di tích và có 3 lý do gây ra việc khó khăn khi phục hồi di tích.
Thứ nhất, là do có di tích không có tài liệu. Thứ hai, hệ thống đình, đền chùa là di tích quá bé, khi bước vào rất dễ bị cụng đầu vào cửa vì quá bé, nếu phục hồi nguyên trạng với tỷ lệ 1.1 không ổn so với hiện nay. Thứ ba, vị trí đất của các di tích này đã ở chỗ trũng nên khi làm đường lên càng trũng hơn sẽ bị dồn nước tích tụ nước làm hư hỏng di tích.
Nếu giữ nguyên yếu tố gốc cấu thành di tích, tức là một nền đất thấp như vậy, chúng ta không thể phục hồi và bảo quản duy trì giữ gìn được di tích lịch sử văn hóa đó nên quy định nguyên tắc trong dự thảo Luật là bảo đảm giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di sản văn hóa là một việc triển khai trên thực tế rất khó khăn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét chỉ quy định “giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích” để đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) góp ý, để đảm bảo thống nhất đối với các di tích đã được xếp hạng, cần giao cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đối với việc đưa thêm, di dời hiện vật trong di tích. Vì với một số hiện vật cổ có giá trị, nếu như cá nhân tự ý di dời có thể gây tranh cãi, kiện tụng.
Do đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị quy định rõ "cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di tích trong danh mục kiểm kê của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn".
Khuyến khích tham gia đưa cổ vật về nước
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, trên thực tế bên cạnh các công trình, cụm công trình hiện nay vẫn còn tên gọi là quần thể di tích, quần thể danh thắng. Đây là cụm từ được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh, ví dụ như quần thể di tích Cố đô, quần thể danh thắng Tràng An. Vì vậy, cần phải bổ sung cụm từ "quần thể" vào dự thảo Luật để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với tên gọi vinh danh của tổ chức quốc tế.
Cũng theo đại biểu, thực tế nhiều năm trở lại đây, vấn đề hồi hương cổ vật đã được quan tâm khi nhiều cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc.
Đại biểu đề nghị cần phải có chiến lược, kế hoạch ở tầm quốc gia trong công cuộc hồi hương cổ vật, đi cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý với những chế độ đãi ngộ và ưu đãi đối với người có công, gìn giữ, lưu truyền, bảo quản... Vì cổ vật không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang tính lịch sử của một dân tộc hay cả một thế hệ lịch sử của dân tộc, có thể hoàn thiện mảnh ghép về bề dày văn hóa của dân tộc.
“Dự thảo Luật Di sản văn hóa hiện nay chưa có quy định về hồi hương cổ vật, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa với nội dung khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài công lập tham gia đưa cổ vật về nước một cách phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị.
Rõ chính sách với bảo tàng tư nhân
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga lại đề cập đến quy định về bảo tàng tư nhân, cho rằng, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật đã chú trọng hơn tới bảo tàng tư nhân, nhưng vẫn chưa được đề cập một cách đúng mức, chưa thực sự phù hợp.
Các chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa cũng còn khá vắng bóng chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân mà mới chỉ dừng ở mức độ chung chung, chưa rõ khuyến khích, tạo điều kiện như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, bảo tàng tư nhân còn khá hiếm hoi, mặc dù đã có rất nhiều các cá nhân sưu tầm và sở hữu lượng cổ vật, di sản văn hóa có giá trị và phong phú về số lượng. Sự hiếm hoi đó do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có đủ hành lang pháp lý để thành lập hay thiếu cơ chế khuyến khích, ưu đãi để bảo tàng tư nhân có thể hoạt động hiệu quả hơn.
“Trên thực tế, bảo tàng tư nhân đã và đang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sưu tập, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bởi vậy, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung những quy định riêng, cụ thể về bảo tàng ngoài công lập và bảo tàng tư nhân vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hỗ trợ sự phát triển của bảo tàng tư nhân”, đại biểu đề nghị.