Việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô là cần thiết, phù hợp với thực tế
Bày tỏ quan điểm về phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ 1/7/2023, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng việc tăng giá là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của Nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.
Theo phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đưa ra, từ 1/7/2023, giá nước sạch cho mục đích sinh hoạt áp dụng cho 5 nhóm đối tượng, gồm: Hộ dân cư; cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp, phục vụ mục đích công cộng; hoạt động sản xuất vật chất; kinh doanh dịch vụ sẽ có sự điều chỉnh.
Về phương pháp xây dựng giá nước sạch sinh hoạt, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Phương pháp xây dựng giá nước sạch được sử dụng là phương pháp chi phí theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tính tới sự phân tầng với nhóm đối tượng. Cụ thể: Đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo: Mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3 (mức giá này giữ nguyên theo mức giá nước sạch tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND).
Đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, Thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực này…
Chia sẻ về mục đích, yêu cầu và nguyên tắc xác định tổng chi phí trong phương án giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết: “Giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm thực hiện theo đúng quy định tại Điều 2 Thông tư số 44 quy định về nguyên tắc xác định giá nước sạch”.
Trước phương án của UBND Thành phố về việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô từ 1/7/2023, phóng viên Lao động Thủ đô đã ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam: "Việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt là cần thiết".
Đặt vấn đề “Vì sao phải điều chỉnh giá?, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Trong rất nhiều lý do Sở Tài chính Hà Nội nêu cần thiết phải điều chỉnh giá, tôi tán thành. Nhưng tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh lý do quan trọng nhất, bao trùm nhất là giải quyết sự bất hợp lý của mối quan hệ giữa chi phí sản xuất - kinh doanh nước và giá nước hiện hành, khi giá bán đang thấp hơn chi phí dẫn đến giá nước không bù đắp đủ chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch gây ra nhiều bất cập cho sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Thỏa, giá nước sạch của Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội quy định từ năm 2013, như vậy đã 10 năm, giá nước được “kìm lại” giữ ổn định không điều chỉnh; trong khi các yếu tố chi phí “đầu vào” cấu thành nên mức giá nước sạch đã tăng lên khá lớn. Cụ thể, nếu lấy mốc 2022 so với 2013, theo cách tính của ông Thỏa, thì chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 29,46%; tiền lương tối thiểu vùng 1 từ 2,7 triệu đồng/người/tháng (năm 2013) đã tăng lên 4,68 triệu đồng/người/tháng (năm 2022, tăng 1,733 lần); giá điện năm 2013 là 1.508 đồng/kW tăng lên 1.920 đồng/kW năm 2022 (tăng 1,27 lần); chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 45%...
“Các chi phí đầu vào tăng lên như vậy đã làm cho giá thiêu thụ nước sạch hiện hành thấp hơn chi phí bỏ ra, đẩy giá nước trở thành giá bao cấp cho các ngành sản xuất kinh doanh, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước và hệ quả là không tạo được động lực thúc đẩy ngành nước, nâng cao năng lực cấp nước, đặc biệt là đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, khó khăn, sức tiêu thụ nước sạch thấp do việc thu hồi vốn đầu tư khó khăn; không tạo ra được sức ép sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả…
Với những lý do như vậy, tôi cho rằng việc điều chỉnh giá nước của Hà Nội thời điểm này là cần thiết để giúp sản xuất, kinh doanh nước sạch bình thường, khắc phục có hiệu quả các hệ quả của việc giá thấp, bất hợp lý gây ra”, ông Thỏa bày tỏ quan điểm.
PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội): "Điều chỉnh giá nước là cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng nước đủ tiêu chuẩn".
Khẳng định sự cấp thiết của việc tăng giá nước, PGS.TS Bùi Thị An phân tích: Nước vô cùng cần thiết cho sự sống, an ninh nước là an ninh quốc gia, vì vậy bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự sống. Làm thế nào để có đủ nước cung cấp cho dân và cho tất cả các lĩnh vực có nhu cầu là mục tiêu của chúng ta, tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và nhiều lý do khác nữa (dùng nước lãng phí, khai thác quá mức...) nên có lúc, có nơi nước đã bị cạn kiệt, nhất là nước ngầm làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước, nên tiết kiệm nước phải được đặt ra với mọi quốc gia. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tiết kiệm nước cho người dân thì giải pháp tăng giá nước sinh hoạt ở mức độ đúng, phù hợp với điều kiện sống của người dân ở nước ta lúc này cũng góp phần tiết kiệm được và giảm bớt lượng nước tiêu thụ không cần thiết trong dân.
Phân tích thêm các yếu tố do nguyên liệu đầu vào (điện, dầu, nhân công...) của ngành công nghiệp nước đã tăng, nên việc UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh giá nước sinh hoạt thời điểm này là cần thiết sau 10 năm chưa điều chỉnh giá, bà An cũng cho rằng: Quyết định của UBND Thành phố đã đảm bảo cơ sở pháp lý, phù hợp, có lộ trình phù hợp và khi triển khai thực hiện có tính đến các đối tượng khác nhau.
Đồng thuận với việc tăng giá nước sinh hoạt, song bà An đề nghị: “Nên có báo báo về chất lượng nước của các đơn vị cung cấp nước trong thời gian qua; giá nước sinh hoạt tăng nhưng phải có chất lượng nước đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Đề nghị nên có đánh giá về công nghệ và thiết bị của các đơn vị cung cấp nước hiện nay và công bố xem những đơn vị nào có công nghệ và thiết bị cần thay và nếu phải thay thì thời hạn bao lâu (kể từ khi tăng giá) để nhân dân cùng tham gia giám sát. Cùng đó, nên có đường dây nóng để nhân dân phản ánh về chất lượng nước, vì chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân”.
PGS.TS Vũ Hào Quang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương): "Cần quan tâm đến mức giá giữa đô thị và nông thôn".
Theo PGS.TS Vũ Hào Quang, việc Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt là cần thiết, bởi giá cả thị trường đã tăng nhiều, trong khi đó 10 năm nay chúng ta chưa điều chỉnh giá nước.
"Người dân cần có nước sạch, nhu cầu về nước sạch tăng lên, trong khi đó chi phí sản xuất nước sạch cũng ngày càng tăng, nên việc điều chỉnh giá nước sạch tăng lên là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề cơ bản là việc nâng giá lên có phù hợp với chất lượng nước hay không, đây là vấn đề người dân quan tâm", PGS.TS Vũ Hào Quang nêu quan điểm.
Ông Quang cũng đặt vấn đề: Nếu như theo bảng giá mới, có 5 nhóm đối tượng sẽ chịu tác động, cần tính đến khoảng cách thu nhập giữa bình quân chung giữa người dân ở ngoại thành và nội thành còn cách nhau khá xa, vì thế, nếu mức giá bán nước sạch cho người ở nông thôn cũng bằng mức giá bán nước cho người dân ở đô thị, đặc biệt là vùng lõi đô thị thì chưa hợp lý lắm và chưa đảm bảo công bằng, an sinh xã hội. Do đó, cần làm rõ và giảm bớt sự cách biệt về ranh giới mức sống giữa nông thôn và thành thị để áp dụng giá nước cho hợp lý.
"Tôi đề xuất, mức giá đối với mỗi m3 nước áp dụng đối với người dân ở khu vực nông thôn sẽ thấp hơn 500 đồng/1m3 nước so với người dân ở đô thị. Điều này vừa đảm bảo hợp lý về kinh tế và cũng đảm bảo chính sách an sinh xã hội", PGS.TS Vũ Hào Quang đề xuất.
Theo tính toán của Sở Tài chính Thành phố, mức tăng theo lộ trình, cơ bản không tác động nhiều thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Cụ thể:
Đối với hộ gia đình: Theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành một (10-16m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm: 15.000 - 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng.
Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của 1 hộ gia đình tại khu vực thành thị trong 1 tháng chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, 1 gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).
Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.