Việc làm cho phụ nữ tuổi cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm gần đây, ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa. Ở lại địa phương là lực lượng lao động quá tuổi, phụ nữ ở nhà chăm con, trông cháu, họ không thể làm công việc nặng nhọc hoặc đi lao động xa. Đây là nguồn lao động khá dồi dào có thể tạo ra vật chất cho gia đình và xã hội nếu được các cấp, ngành tạo việc làm. Nắm bắt được những đặc điểm này, một số đơn vị, sở, ban, ngành, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký các đơn hàng tạo việc làm cho chị em.
Trong những năm gần đây, ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa. Ở lại địa phương là lực lượng lao động quá tuổi, phụ nữ ở nhà chăm con, trông cháu, họ không thể làm công việc nặng nhọc hoặc đi lao động xa. Đây là nguồn lao động khá dồi dào có thể tạo ra vật chất cho gia đình và xã hội nếu được các cấp, ngành tạo việc làm. Nắm bắt được những đặc điểm này, một số đơn vị, sở, ban, ngành, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký các đơn hàng tạo việc làm cho chị em.
Bà Bùi Thị Xuân, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc cho biết: Năm nay tôi ngoài 50 tuổi, ở cùng các con nhưng con đi làm xa nên tôi ở nhà đưa đón cháu đi học. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi đến làm việc tại HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú. Công việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây nha đam, tuy thu nhập không cao nhưng đều đặn có thêm nguồn chi tiêu trong gia đình.
Bà Bùi Thị Quỳnh ở xóm Mường Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc) cũng đã hơn tuổi 50. Tuy còn khỏe nhưng bà không thể làm được công việc nặng nhọc và đi làm xa. Bà xin vào làm ở HTX tại địa phương với việc đan lát thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Bà Quỳnh cho biết: Công việc này khá phù hợp với tôi. Ngoài làm việc nhà, tôi tranh thủ đến xưởng làm thêm với thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú cho biết: Trên địa bàn tỉnh lực lượng lao động nữ người DTTS khá dồi dào. Hầu hết chị em sống bằng làm nông nghiệp. Sau những ngày mùa bận rộn, họ lại đi khắp nơi kiếm việc làm. Những người ở nhà đã quá tuổi lao động, không thể đi làm xa nhưng còn sức lao động, nhàn rỗi sau những ngày mùa... Do vậy, HTX chúng tôi tìm kiếm các đơn hàng là hàng thủ công mỹ nghệ tạo việc làm, thu nhập cho chị em. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho 600 lao động với 90% là phụ nữ DTTS, mức thu nhập theo từng công việc.
Bà Xa Thị Sinh ở xóm Tràm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc cũng đã quá tuổi lao động. Chồng và các con đi làm xa và đi làm đồi, bà ở nhà trông cháu. Mấy năm trước bà được HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh cho mượn giống lợn bản địa gây đàn. Sau vài năm, đàn lợn được hơn 10 con. Công việc của bà hàng ngày vừa trông cháu, vừa ở nhà chăm đàn lợn, đầu ra được HTX bao tiêu. Bà Sinh cho biết: Công việc này phù hợp với hoàn cảnh của tôi, mỗi năm cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình. Thời gian tới, tôi tiếp tục gây đàn lợn nhiều hơn nữa.
Bà Hà Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh cho biết: Lực lượng lao động nhàn rỗi ở nhà trên địa bàn huyện Đà Bắc khá nhiều. Công việc chăn nuôi lợn bản địa phù hợp với chị em, tạo thu nhập cho gia đình. Chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi lợn bản địa để tận dụng được nguồn lao động này ở địa phương.
Đối với huyện Mai Châu có nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân từ nhiều đời nay. Trong những năm qua, các HTX nghề dệt thổ cẩm được thành lập, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ DTTS. Bà Hà Thị Xiển, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu cho biết: Tuy đã quá tuổi lao động nhưng tôi vẫn còn sức khỏe. Ngoài công việc gia đình còn nhiều thời gian nông nhàn. Không chỉ tôi mà ở xã có nhiều phụ nữ như vậy, đây là lực lượng lao động dồi dào. Tôi đã tìm cho mình công việc phù hợp với sức lao động là dệt thổ cẩm ở HTX Hoa Ban, xã Chiềng Châu. Công việc này cho thu nhập khá ổn định. Chúng tôi mong muốn nhiều đơn vị, doanh nghiệp liên kết có nhiều đơn hàng, đa dạng sản phẩm phù hợp với công việc của phụ nữ. Như vậy không chỉ giúp chị em không có lương ổn định cuộc sống, mà còn giữ được nghề truyền thống của dân tộc.