Việc làm trong bối cảnh công nghệ 4.0

Việc làm là vấn đề liên quan đến mọi nhà, mọi người, ảnh hưởng tới vấn đề an sinh xã hội. Đây cũng là vấn đề được cử tri tại nhiều tỉnh, thành đề cập đến khi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Việc làm và thị trường lao động đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.

Việc làm và thị trường lao động đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.

Ngày 6/10, báo cáo của Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng 9, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới, giảm 16,3% so với tháng trước và giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước; gần 6,5 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% và tăng 11,6%; 4.233 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,6% và tăng 2,6%; 7.410 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% và tăng 40,5%; 1.605 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7% và tăng 26,8%.

Tính chung 9 tháng qua, cả nước có hơn 183 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 1 tháng có hơn 20,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn DN, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 18,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Những số liệu trên phần nào cho thấy khó khăn của DN, mà đằng sau đó là vấn đề việc làm. Bởi “sức khỏe của DN” phản ánh vấn đề việc làm, và thị trường lao động. Chính vì thế tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước kỳ họp thứ 8 thì vấn đề việc làm đã được cử tri đề cập đến. Nhất là lần này Quốc hội sẽ lần đầu tiên cho ý kiến chính thức về dự án Luật Việc làm sửa đổi. Phản ánh tới Quốc hội, cử tri Nguyễn Ngọc Sau (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho hay, thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy vẫn còn một bộ phận người lao động bị “treo” quyền lợi về Bảo hiểm thất nghiệp do DN hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ DN cố tình bỏ trốn. Ông Sau đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luầt Việc làm cần có các quy định cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên.

Trong khi đó, ông Phan Đình Hồng (Công đoàn Công ty CP An Hưng, tỉnh Phú Yên) cũng phản ánh, hiện nay, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động đạt hiệu quả chưa cao. Các báo cáo trong dự án cũng chưa có nhiều người lao động được hỗ trợ về vấn đề này. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng nguồn quỹ để hỗ trợ DN trong việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, đặc biệt đối với những ngành nghề có xu hướng phát triển như: công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.

Những mong mỏi của cử tri rất cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ khó khăn tại dự án Luật Việc làm sửa đổi lần này. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dự án Luật lần này đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Điều 81) theo hướng bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Bên cạnh đó, linh hoạt mức đóng BHTN (Điều 83) theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Khi thẩm tra dự án Luật trên liên quan đến vấn đề “dịch vụ việc làm”, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội lưu ý rằng: Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ và mở rộng cho các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân.

Ông Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta vẫn còn thiếu các quy định hỗ trợ người lao động thích ứng với môi trường việc làm kỹ thuật số và bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia các giao dịch việc làm trên các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Sự kết nối giữa thông tin việc làm ở các vùng, khu vực trong cả nước còn yếu.

Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Việc làm sửa đổi lần này, theo ông Trí, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết số 42-NQ/TW đã đặt ra một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là “hiện đại hóa và chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu lao động, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm”. Đây là một yêu cầu rất bức thiết, nhưng chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Chỉ ra thực tế còn khoảng 35 triệu người lao động, chiếm tới 2/3 tổng số lao động cả nước chưa được thu thập thông tin đầy đủ về tình trạng việc làm và các vấn đề liên quan khác, ông Trí cho rằng, nếu chúng ta có thể hoàn thiện cơ sở dữ liệu này và kết nối nó với các dữ liệu quốc gia khác như thuế, bảo hiểm xã hội thì sẽ tạo ra sự đột phá trong quản lý lao động. Điều này không chỉ giúp quản lý nguồn lao động hiệu quả hơn mà còn tạo môi trường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ DN và người lao động một cách tốt hơn.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/viec-lam-trong-boi-canh-cong-nghe-4-0-10291821.html