Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở Ninh Bình: Đảm bảo nghiêm túc, chất lượng và đúng tiến độ

Sau hơn 2 tháng triển khai khẩn trương, nghiêm túc, việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, có nhiều góp ý tâm huyết, chất lượng về những nội dung trọng tâm, trọng điểm. Phóng viên (PV) Báo Ninh Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và môi trường về kết quả triển khai lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Trần Đức

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Trần Đức

PV: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn, liên quan đến nhiều thành phần và các tầng lớp nhân dân. Vì thế, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật. Tại Ninh Bình, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện lấy ý kiến nhân dân được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hùng Thắng: Thực hiện Nghị quyết số 671/NQUBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch số 13 của UBND tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến Dự thảo Luật được các cơ quan báo chí địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Báo Ninh Bình đã xây dựng chuyên mục "Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" trên các số báo thời sự và Báo Ninh Bình điện tử; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng mục "Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" trên cả sóng phát thanh và sóng truyền hình. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề đã được UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức công phu, thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cùng với đó, các hội nghị góp ý do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức; các hội thảo góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học cũng được tổ chức rất nghiêm túc, bài bản. Đặc biệt, trong suốt thời gian lấy ý kiến theo kế hoạch, từ khu dân cư, phường, xã, thị trấn đến cấp huyện, thành phố... đều tổ chức các hội nghị tiếp thu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến của người dân đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và gửi gắm rất nhiều tâm huyết đến ban soạn thảo. Ngoài góp ý trực tiếp, người dân còn góp ý theo hình thức văn bản hoặc qua kênh trực tuyến. Có thể nói, đợt lấy ý kiến này đã thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về các nội dung liên quan đến đất đai.

PV: Như đồng chí đã nói, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật ở tỉnh ta được tổ chức rất nghiêm túc, đúng quy định và đảm bảo về chất lượng, tiến độ. Vậy đồng chí có thể khái quát về kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Lê Hùng Thắng: Có thể nói, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, đã huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, tại các địa phương, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, nghiêm túc, kỹ lưỡng, nhiều hình thức phong phú và quan trọng nhất là rất trách nhiệm, thiết thực, khoa học và hiệu quả để từng người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đất đai, cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/ TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Là cơ quan được giao tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, toàn tỉnh đã có 4.138 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua tổng hợp cho thấy, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 - NQ/TW và các Nghị quyết, Kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sưộ̉n định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời Dự thảo Luật đã giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân; Thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Cách sắp xếp, bố trí các chương, điều, khoản của Dự thảo Luật được thực hiện theo trình tự, hệ thống rõ ràng, rành mạch và hợp lý. Dự thảo cũng đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng nhiều quy định của Dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Một số từ ngữ sử dụng chưa thống nhất theo tên gọi chung (ví dụ: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cấp huyện...). Một số nội dung quy định chưa giải quyết hết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai như: đất đai tôn giáo, đất có di sản thiên nhiên, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp và việc xác định giá đất, định giá đất cụ thể.

Một góc thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư). Ảnh: Anh Tuấn

PV: Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các tổ chức, cá nhân đã quan tâm góp ý vào những vấn đề nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hùng Thắng: Các ý kiến của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào hầu hết các chương trong Dự thảo Luật. Các ý kiến đã phản ánh tính đa chiều, điểm mặt chỉ tên các nút thắt, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất giá trị. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các quy định nhận được quan tâm nhiều nhất đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó phải kể đến các quy định về việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Bên cạnh đó, nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, góp ý vào những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ví dụ về cơ chế xác định giá đất, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Với việc bỏ khung giá đất, người dân hoàn toàn đồng tình và hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Tất cả các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong đợt lấy ý kiến vừa qua đều được Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng quy định theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ- CP của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng GIang (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/viec-lay-y-kien-nhan-dan-vao-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-o/d20230406085038659.htm