Việc lựa chọn nội dung, phương thức giám sát của MTTQ Việt Nam - Thực trạng và phương hướng đổi mới
Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn liền với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, với thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đổi mới nội dung và phương thức giám sát gắn liền với việc nâng cao năng lực của chủ thể giám sát, điều kiện bảo đảm. Mỗi nội dung giám sát cần lựa chọn phương thức giám sát phù hợp, đòi hỏi cán bộ thực hiện thường xuyên nghiên cứu, cập nhật chủ trương, chính sách mới, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, phối hợp công tác chặt chẽ, nâng cao năng lực, kỹ năng và hiệu quả giám sát.
Những năm qua, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Với các nội dung quy định tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát và phản biện xã hội có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị. Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được hiệp thương, cho ý kiến thống nhất trước khi ban hành, bảo đảm tính thống nhất và tránh trùng lặp trong quá trình thực hiện.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai theo chuyên đề, được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong đó tập trung lựa chọn những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, bức xúc. Việc triển khai các nội dung giám sát chuyên đề được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
Thực trạng việc lựa chọn nội dung, phương thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất rộng, trong khi đó về con người, về thể chế, điều kiện bảo đảm thực hiện còn hạn chế, nên việc lựa chọn nội dung giám sát hàng năm còn gặp khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát khá toàn diện các nội dung: Công tác lập pháp, bầu cử, thi hành án, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống người dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Việc ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của nhiều tổ chức thành viên vào công tác giám sát, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia nhiều đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành… trên những lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, như: Việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người; việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và Nhân dân; việc quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thực hiện Kế hoạch số 717/KH-MTTW-UB ngày 28/4/2023 về giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì hoàn thành thực hiện 6 nội dung giám sát.
(1) Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Tổ chức giám sát đối với 2 dự án gồm: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An;
(2) Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát bằng hình thức văn bản thông qua xem xét, nghiên cứu báo cáo về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của một số bộ, ngành có liên quan;
(3) Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025). Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Kế hoạch số 772/KH-MTTW-BTT ngày 27/7/2023 về giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi năm 2023. Tổ chức 2 Đoàn kiểm tra về việc triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh và Quảng Nam; biên soạn và tổ chức tập huấn cho 18 tỉnh, thành phố về công tác giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức Hội thảo khoa học về “Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với việc giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số, miền núi”; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung giám sát theo Chương trình của các địa phương;
(4) Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015. Tập trung vào những nội dung chính, như: Đánh giá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; bảo đảm quyền ứng cử, đề cử trong công tác bầu cử; các quy định phối hợp giữa Hội đồng bầu cử quốc gia với Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp giữa Ủy ban bầu cử, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ở địa phương; công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử; cơ cấu, số lượng người ứng cử; về cơ cấu, số lượng, tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; đánh giá các quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử, kinh phí phục vụ bầu cử, các hình thức vận động bầu cử; công tác xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử; công tác bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương, thời gian đi bầu;
(5) Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo (theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam);
(6) Giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, nghiên cứu, ban hành văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định1.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các hoạt động giám sát theo chương trình, quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan hữu quan. Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hôị2; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám sát công tác thi hành án hình sự tại tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai; phối hợp với Bộ Nội vụ ký kết và triển khai chương trình về đánh giá đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã chủ trì giám sát chuyên đề đối với 3 nội dung: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025).
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo triển khai nghiêm túc nhiệm vụ giám sát trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, thực hiện việc ký kết các chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan.
Thống nhất nhận thức về đánh giá kết quả giám sát đạt được trong thời gian qua
Hơn 10 năm qua, thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị), công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Cơ sở chính trị, pháp lý của công tác giám sát, phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, như: Chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân; việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng; một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Vấn đề đặt ra trong lựa chọn, xây dựng nội dung giám sát
Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định: Quý IV hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn nội dung và xác định các nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện của năm sau. Vấn đề khó nhất là chọn được nội dung giám sát, đúng và trúng, khắc phục trùng lặp và chồng chéo giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Tiêu chí cụ thể để lựa chọn nội dung giám sát rất rộng, đó là những nội dung các cấp quan tâm, Nhân dân quan tâm, bức xúc, nhiều ý kiến nhưng chưa được xem xét, giải quyết. Muốn chọn được nội dung giám sát đúng và trúng phải tiến hành khảo sát, có đủ các thông số và tư liệu ban đầu để thấy rõ sự cần thiết phải giám sát, mục đích giám sát để làm gì, nội dung trọng tâm là gì, đối tượng, phạm vi giám sát, phương pháp và cách làm giám sát để đạt mục đích, yêu cầu.
Điều 26 Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015 quy định:
(1) Đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.
(2) Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trừ những bí mật quốc gia).
(3) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2.
Theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát các đối tượng tại khoản 1 và 2 nêu trên, về việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những bí mật quốc gia) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
Để phát huy vai trò chủ trì, Mặt trận phải chủ động và tích cực. Như vậy, nội dung kế hoạch giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải rõ nội dung Mặt trận chủ trì, từng tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, rõ hình thức giám sát, đối tượng, phạm vi, thời gian, thời điểm giám sát.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp bước đầu đã phát huy vai trò chủ trì, dự kiến nội dung trước họp trao đổi với các tổ chức chính trị - xã hội, trao đổi với cơ quan phối hợp là chính quyền, gửi xin ý kiến thường trực cấp ủy, thông qua kỳ họp cuối năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
Nội dung, phạm vi giám sát của từng cấp Mặt trận rất rộng, nhưng nguồn lực, con người có hạn, nên phải có trọng tâm. Cần có giám sát theo chuyên đề, bổ sung hình thức giám sát thường xuyên, giám sát đột xuất. Có nội dung theo kế hoạch, nhưng cũng có nội dung đột xuất, nội dung phát sinh do cấp ủy, chính quyền đề nghị, hoặc có việc nổi cộm cần có tiếng nói, ý kiến Mặt trận. Ví dụ nội dung nóng về môi trường, về bồi thường giải phóng mặt bằng… thì phải giám sát ngay trong quá trình thực hiện, không chờ làm xong mới giám sát. Giám sát cá nhân đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải là hình thức giám sát thường xuyên và đột xuất, không nên sử dụng hình thức giám sát theo kế hoạch. Giám sát của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội phải khác với giám sát của Đảng và giám sát của cơ quan quyền lực, đại biểu dân cử.
Cũng cần giám sát đột xuất để Mặt trận có tiếng nói giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc, nổi cộm phát sinh, thủ tục rút gọn thành hội nghị giám sát, không chỉ theo hình thức nghiên cứu văn bản. Đoàn giám sát, ban hành kế hoạch giám sát, thành lập đoàn, tổ… nhiều vấn đề xã hội, dư luận quan tâm. Rất cần hình thức hội nghị trước khi ra văn bản kiến nghị.
Giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, huy động và hỗ trợ các chương trình mục tiêu cần giám sát thường xuyên, nội dung theo chuyên đề toàn quốc, có chương trình, hướng dẫn, tập huấn thực hiện.
Phương hướng đổi mới lựa chọn nội dung giám sát
Một là, chọn trúng và đúng nội dung Nhân dân quan tâm, bức xúc. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội cần được xây dựng theo quy trình tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời chủ động giám sát đột xuất những vấn đề nổi cộm, Nhân dân bức xúc bằng các hình thức giám sát phù hợp.
Căn cứ vào lãnh đạo của cấp ủy, đề nghị của chính quyền, những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc... Đánh giá kết quả giám sát, phản biện xã hội, việc phối hợp, đưa ra nội dung giám sát trong năm cho phù hợp, hướng nội dung: Cải cách hành chính, thể chế, thực hiện đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở phục vụ kịp thời người dân, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Luật Đất đai, phương án bồi thường thu hồi đất, tái định cư, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công trình xây dựng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Hai là, đổi mới tổ chức thực hiện giám sát. Mặt trận Tổ quốc phải bằng nhiều hình thức và cách thức tổ chức thực hiện, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động giám sát như: Dựa vào sự theo dõi, phát hiện và cung cấp thông tin từ người dân, các đối tượng vận động của Mặt trận; dựa vào các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của các thành viên của Mặt trận, của hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng; từ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Tính nhân dân còn thể hiện qua các hoạt động trực tiếp giám sát của Mặt trận phát hiện có sai sót, vi phạm pháp luật, thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục, sửa chữa sai sót; kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có), kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, kiến nghị giải quyết quyền lợi cho công dân, đoàn viên, hội viên bị xâm hại.
Như vậy, phải chú trọng thực hiện cả 4 hình thức giám sát: (1) Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; (2) Tổ chức đoàn giám sát; (3) Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; (4) Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Kết hợp với giám sát trực tiếp của người dân. Chú trọng thành phần tham gia giám sát và phản biện xã hội ngày càng mở rộng để mang tính nhân dân. Xây dựng nội dung giám sát với tổ chức thực hiện quy trình giám sát: Xây dựng kế hoạch giám sát; Ban hành kế hoạch giám sát; Tổ chức thực hiện giám sát theo kế hoạch giám sát; Báo cáo kết quả giám sát; ban hành văn bản kiến nghị sau giám sát; Theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, lắng nghe, kịp thời tập hợp, tổng hợp tâm tư nguyện vọng, ý kiến của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ cả 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Phân công tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội rõ trong Mặt trận và các thành viên, đặc biệt là cấp huyện và cơ sở vai trò chủ trì của Mặt trận rất rõ nét, tạo tiếng nói chung. Quan tâm việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức; sâu sát lắng nghe, tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân thông qua các hoạt động của Mặt trận, các thành viên của Mặt trận để phản ánh, kiến nghị kịp thời đến cấp có thẩm quyền, mà không chờ giám sát xong mới kiến nghị.
Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn hiện nay, Mặt trận tập trung làm tốt hòa giải ở cơ sở, thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng. Chú trọng xem xét cụ thể phản ánh, kiến nghị xác đáng, có nội dung, địa chỉ cụ thể của người dân, kiến nghị kịp thời tới cấp có thẩm quyền. Trước khi gửi văn bản có trao đổi trong Ban Thường trực và những vấn đề lớn cần thiết có cả người đứng đầu 5 tổ chức chính trị - xã hội. Đây có thể nói là hình thức giám sát hữu hiệu.
Báo cáo tham gia xây dựng chính quyền tại kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nếu chất lượng sẽ khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử.
Bốn là, phát huy các lực lượng đại diện và người dân tham gia giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị trí thức, người có uy tín, tiêu biểu trong các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước; phối hợp sự tham gia, ủng hộ, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông đối với các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Năm là, theo dõi việc tiếp thu, phản hồi sau giám sát, đề xuất, xây dựng các nội dung giám sát tiếp theo. Việc theo dõi, giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát của cơ quan, tổ chức được giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu cơ quan, tổ chức trả lời kiến nghị đúng thời gian quy định của pháp luật và tiếp thu đầy đủ kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì đó là kết quả và hiệu quả cao nhất trong hoạt động giám sát. Nếu cơ quan, tổ chức không tiếp thu toàn bộ kiến nghị hoặc chỉ tiếp thu một nội dung, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi văn bản đến cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó kiến nghị xem xét, giải quyết trả lời; đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật về kiến nghị này.
Sáu là, thường xuyên nắm bắt những nội dung chỉ đạo mới. Trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi, thống nhất về lựa chọn địa điểm, nội dung giám sát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Chú thích:
1. Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.825 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trực tiếp tiếp 195 lượt công dân; đã phân loại, xử lý và ban hành 39 văn bản hướng dẫn; 52 văn bản chuyển đơn, nhận 12 văn bản phúc đáp của cơ quan có thẩm quyền.
2. Giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.