Việc mang bảo vật quốc gia ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ quyết định

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với nhiều điểm mới quan trọng. Đáng quan tâm, Luật quy định việc mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngày 3/1 hằng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam

Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều, quy định về: Những quy định chung, quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, nghiệp vụ lưu trữ, tài liệu lưu trữ đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý nhà nước về lưu trữ, điều khoản thi hành.

So với Luật Lưu trữ 2011, Luật mới bổ sung một chương mới về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”, trong đó quy định các tiêu chí về nội dung, hình thức, xuất xứ nhằm xác định tài liệu lưu trữ có giá trị.

Những tài liệu lưu trữ được phát huy giá trị cần có các nội dung sau: Lịch sử dựng nước, giữ nước, xác lập và thực thi chủ quyền; quá trình hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc và giá trị truyền thống của đất nước, con người Việt Nam; các sự kiện tiêu biểu, dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam; các ngành, lĩnh vực, địa phương; cơ quan, tổ chức thuộc các chế độ chính trị - xã hội; cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng qua các thời kỳ lịch sử; thành tựu tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với tài liệu lưu trữ khác không thuộc trường hợp trên, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ, cơ quan, tổ chức, lưu trữ lịch sử chủ động phát huy giá trị bằng hình thức phù hợp.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ. Ảnh: Quốc hội.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ. Ảnh: Quốc hội.

Việc lưu trữ tài liệu thuộc phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt phải tuân thủ quy định của Luật này, trừ trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan.

Việc mang tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp luật khác có quy định khác về thời hạn lưu trữ và trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành thì thực hiện theo quy định của luật đó….

Luật đã quy định rõ 5 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép hoặc cố ý làm hư hỏng, mua bán, chiếm đoạt, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý.

Đồng thời, nghiêm cấm làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.

Nghiêm cấm sử dụng tài liệu lưu trữ hoặc lợi dụng hoạt động dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cản trở quyền tiếp cận, sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài, ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử trái quy định của pháp luật.

Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quốc hội

Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quốc hội

Hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về hoạt động dịch vụ lưu trữ, có ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.

Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/viec-mang-bao-vat-quoc-gia-ra-nuoc-ngoai-do-thu-tuong-chinh-phu-quyet-dinh-172591.html