Việc 'nắn' kênh trái phiếu riêng lẻ đến các nhà đầu tư tổ chức là đúng đắn

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp – đây cũng là đối tượng tham gia trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân được định nghĩa là chuyên nghiệp như hiện nay vào thị trường trái phiếu riêng lẻ là một chủ trương đúng và hợp lý. Bởi trái phiếu riêng lẻ bản chất của nó là có tính chuẩn hóa không cao và phần lớn dựa trên sự đàm phán, thỏa thuận có phần 'riêng tư' như tên gọi của nó.

Cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ TPDN tại một số nưowcs châu Á tại thời điểm 31/12/2023. Nguồn: FlinGroup.

Cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ TPDN tại một số nưowcs châu Á tại thời điểm 31/12/2023. Nguồn: FlinGroup.

Trái phiếu riêng lẻ phải hướng đúng đối tượng mục tiêu

Dự thảo 1 luật sửa 7 luật trong đó có dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo đó, dự thảo đã bổ sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 về nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp (NĐTCKCN).

Cụ thể, dự thảo đề xuất đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Đối với cá nhân, bổ sung quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất; có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất. Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định NĐTCKCN gồm NĐT là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm quy định NĐTCKCN tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ là tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 11, Luật Chứng khoán 2019.

Bình luận về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, ông Trần Lê Minh – Tổng Giám đốc VIS Rating cho rằng, điểm đáng chú ý trong dự thảo là bổ sung thêm quy định NĐTCKCN tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là tổ chức theo quy định. Điều này cũng có nghĩa là quy định TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

“Ban soạn thảo cũng đã có các giải trình chi tiết cho ý kiến này dựa trên thực tế diễn biến thị trường và các đặc thù của thị trường cũng như từ thông lệ và kinh nghiệm từ các thị trường tại các nước khác trong khu vực. Tôi cho rằng, các thành viên thị trường đã có sự đồng thuận với quan điểm thị trường TPDN phát hành riêng lẻ là thị trường dành cho các NĐT chuyên nghiệp” – ông Trần Lê Minh nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings cũng nhấn mạnh: “Chủ trương hạn chế sự tham gia của NĐT cá nhân được định nghĩa là chuyên nghiệp như hiện nay vào thị trường TPDN riêng lẻ theo tôi là một chủ trương đúng và hợp lý. Bởi TPDN riêng lẻ bản chất của nó là có tính chuẩn hóa không cao và phần lớn dựa trên sự đàm phán, thỏa thuận có phần “riêng tư” như tên gọi của nó".

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, việc “nắn” kênh trái phiếu riêng lẻ đến đối tượng mục tiêu là các NĐT tổ chức sẽ giúp phát triển cơ sở NĐT tổ chức và trong đó phát triển ngành quản lý quỹ và thu hút vốn đầu tư của ngân hàng, bảo hiểm, quỹ hưu trí… vào kênh đầu tư TPDN nói chung.

Kinh nghiệm quốc tế thường hạn chế NĐT cá nhân tham gia trực tiếp

Không phủ nhận thị trường TPDN có vai trò và tiềm năng lớn ở Việt Nam; tuy nhiên về nguyên tắc, thị trường TPDN riêng lẻ là một thị trường đặc biệt có mức độ rủi ro cao, nên đối tượng tham gia thị trường này được hạn chế trong số lượng nhỏ NĐT có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn có khả năng nhận biết và chấp nhận rủi ro.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết: “Đúng là như vậy. Trái phiếu là một sản phẩm có thu nhập cố định, tức là cơ bản bị hạn chế về tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp (tầm 6-15%/năm) như hiện nay trong khi rủi ro lại lớn. Tỷ lệ của TPDN có vấn đề rất lớn và tôi nghĩ chỉ có các định chế tài chính mới có đủ khả năng để giải quyết những rủi ro này”.

“Trong một số nước ở khu vực mà chúng tôi rà soát thì NĐT cá nhân tham gia vào TPDN rất thấp, ngoại trừ Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta đã biết, còn tại Thái Lan, tỷ lệ tham gia của NĐT cá nhân ở mức rất cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Lý do là ở nước này, ngoài khái niệm NĐT chuyên nghiệp như chúng ta, họ có khái niệm về NĐT giàu có “High-Networth Investors” (có tài sản ròng 30 triệu bath tức khoảng 22 tỷ VND trở lên; thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ VND) hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath (tức khoảng 6 tỷ VND). Quan trọng hơn cả, tại Thái Lan, Chính phủ yêu cầu tất cả các quỹ huy động tiền từ thị trường đều phải đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm. Dĩ nhiên, các công ty bảo hiểm hay quỹ hưu trí họ áp dụng tỷ lệ phần trăm tối đa vào các trái phiếu có mức độ rủi ro cao” – ông Thuân dẫn chứng.

“Hay ví dụ riêng ở Trung Quốc, NĐT cá nhân không được tham gia vào trái phiếu riêng lẻ mà chỉ thông qua các quỹ tương hỗ hoặc các công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp. Chính vì vậy, số liệu cho thấy hầu như NĐT cá nhân không tham gia trực tiếp vào TPDN ở nước này” – Chủ tịch FiinGroup dẫn chứng thêm.

Nắn kênh trái phiếu vì sự phát triển tổng thể của thị trường vốn

Chủ trương “nắn kênh” này theo tôi là hợp lý và vì sự phát triển tổng thể của thị trường vốn cũng như giảm những hệ lụy như đã từng xảy ra. Việc áp dụng các chuẩn mực mới về phân bổ tài sản vào TPDN dựa trên rủi ro và qua các NĐT tổ chức, nhất là các định chế tài chính được cấp phép và giám sát hoạt động sẽ là cách tốt có thể cân đối được mục tiêu phát triển thị trường một cách lành mạnh và bền vững. Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viec-nan-kenh-trai-phieu-rieng-le-den-cac-nha-dau-tu-to-chuc-la-dung-dan-160016-160016.html