Việc sản xuất dòng iPhone 17 gặp trục trặc vì thiếu vật liệu quan trọng, CEO Apple lo lắng
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, 'cực kỳ lo lắng' khi việc chuẩn bị sản xuất dòng iPhone 17 gặp trục trặc, theo trang PhoneArena.
Việc thiếu hụt vải sợi thủy tinh low-CTE (hệ số giãn nở nhiệt thấp) đang gây ra vấn đề lớn cho Apple và khiến các đối tác của công ty Mỹ không thể sản xuất dòng flagship tiếp theo.
Flagship là chiếc điện thoại mạnh nhất, xịn nhất, có công nghệ tiên tiến nhất mà một hãng phát hành trong năm.
Vải sợi thủy tinh low-CTE được sử dụng trong smartphone để tản nhiệt và giảm áp lực lên các linh kiện bên trong do biến đổi nhiệt độ. Đây là thành phần quan trọng trong cấu trúc smartphone và các đối tác của Apple không thể sản xuất dòng iPhone 17 nếu thiếu vật liệu này. Những công ty khác trong cùng lĩnh vực khác cũng đang tìm cách xoay sở trước tình trạng thiếu hụt vải sợi thủy tinh low-CTE.
Apple đang thúc giục chuỗi cung ứng mỗi ngày để giải quyết sự cố. Dòng iPhone 17 cần ra mắt đúng thời hạn, không chỉ vì đây là flagship tiếp theo của Apple mà còn đánh dấu kỷ nguyên mới cho công ty. Apple đang thử nghiệm thiết kế mới cho mặt sau dòng iPhone 17, với các mẫu Pro có cụm camera lớn hơn trước nhiều, tương tự dòng Google Pixel 9.

Ảnh được cho là mặt sau iPhone 17 Pro kèm ốp lưng - Ảnh: Majin Bu
Quan trọng hơn, đợt ra mắt dòng iPhone 17 sẽ giới thiệu một mẫu máy mới. Nhiều nguồn tin trong ngành cho biết Apple sẽ khai tử dòng iPhone Plus, thay vào đó là mẫu iPhone 17 Air siêu mỏng, được thiết kế dành cho người dùng đề cao yếu tố thẩm mỹ.
Khi Apple vật lộn với tình trạng thiếu hụt vật liệu trong chuỗi cung ứng, Samsung Electronics đang nỗ lực hoàn thiện chip Exynos 2600 được sản xuất dựa trên tiến trình 2 nanomet. Samsung Foundry đã đạt được nhiều tiến bộ và dòng Galaxy S26 có thể sẽ quay lại sử dụng Exynos.
Samsung Foundry là bộ phận của Samsung Electronics chuyên sản xuất chip theo đơn đặt hàng, kể cả đối thủ.
Ngoài tình trạng thiếu hụt vải sợi thủy tinh low-CTE, Apple còn lo ngại về ảnh hưởng từ thuế quan. Hôm 12.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ mang đến cho Apple niềm vui lớn khi miễn trừ thuế đối ứng với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, trong số đó có iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirTag. Một niềm vui khác cho Apple: Thuế 10% với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng bị loại bỏ với những sản phẩm này.
Tuy nhiên, một loại thuế mới theo ngành thấp hơn vẫn có thể được áp dụng với các mặt hàng chứa chip bán dẫn và thuế 20% với hàng hóa từ Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Trước khi có lệnh miễn trừ thuế đối ứng với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng phổ biến, Apple đã lên kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều iPhone dành cho thị trường Mỹ tại Ấn Độ, nơi mức thuế sẽ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Các lãnh đạo Apple tin rằng đây sẽ là giải pháp ngắn hạn để tránh mức thuế cao ngất ngưởng của Mỹ với Trung Quốc và ngăn chặn việc phải tăng giá mạnh sản phẩm.
Khi các nhà máy tại Ấn Độ đang đạt tiến độ sản xuất hơn 30 triệu iPhone mỗi năm, sản lượng từ quốc gia này có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu từ Mỹ. Hiện tại, Apple bán khoảng 220 – 230 triệu iPhone mỗi năm, trong đó khoảng 1/3 được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Dù vậy, việc chuyển dịch như vậy sẽ rất khó thực hiện trơn tru, nhất là khi Apple đã gần đến giai đoạn sản xuất dòng iPhone 17, vốn chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc.
Apple đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng trong số 77 triệu chiếc iPhone mà công ty xuất khẩu sang Mỹ năm ngoái, gần 80% đến từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu công nghệ Omdia.
Hiện tại, khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ.
Trong nội bộ Apple, các bộ phận tài chính và tiếp thị đã bắt đầu lo ngại về những tác động đến đợt ra mắt dòng iPhone 17 vào mùa thu, với cảm giác bất an rõ rệt.
Chỉ trong vài tháng, Apple sẽ cần phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là chuyển thêm sản xuất dòng iPhone 17 sang Ấn Độ hoặc nơi khác. Điều này có thể khiến Apple phải tăng giá và phải thương lượng gắt gao với các nhà cung cấp để cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, bộ máy tiếp thị nổi tiếng của Apple sẽ phải thuyết phục người tiêu dùng rằng những thay đổi đó (giá tăng, thay đổi nơi sản xuất) là xứng đáng.
Khi hàng loạt vấn đề đang bủa vây, nếu Apple vẫn có thể ra mắt dòng iPhone 17 vào tháng 9 tới với mức giá hợp lý thì đó sẽ là điều hết sức đáng ngạc nhiên.
Mặt trước iPhone 17 Pro rất giống 16 Pro, iPhone 19 Pro sẽ có thiết kế đột phá
Kể từ khi dòng iPhone 12 ra mắt vào năm 2020, thiết kế của các mẫu iPhone Pro hầu như không thay đổi nhiều. iPhone 13 Pro và 14 Pro giữ kiểu dáng tương tự 12 Pro, còn iPhone 15 Pro chỉ thay khung nhôm bằng titan.
iPhone 16 Pro gần như không thay đổi gì so với iPhone 15 Pro, ngoại trừ việc bổ sung nút điều khiển camera (Camera Control) và màu sắc mới.
Với iPhone 17 Pro dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới, cùng phiên bản iPhone 17 Air, chúng ta có thể thấy sự đổi mới. Đây được xem là thay đổi thiết kế lớn nhất kể từ năm 2020, thời điểm iPhone hỗ trợ kết nối 5G.
Tuy nhiên, tín đồ iPhone đừng kỳ vọng một diện mạo hoàn toàn mới. Nhìn từ mặt trước, iPhone 17 Pro sẽ rất giống iPhone 16 Pro, theo Mark Gurman - nhà báo công nghệ nổi tiếng của hãng tin Bloomberg. Sự khác biệt đáng chú ý nằm ở cụm camera phía sau.
Các bản dựng gần đây trên mạng cho thấy một cụm camera lớn ở phía trên mặt lưng iPhone 17 Pro, vẫn giữ bố cục ba ống kính quen thuộc từ thời iPhone 11 Pro. Tuy nhiên, cụm camera này được đặt trên một tấm nền mới trải dài toàn bộ chiều ngang của máy.
Một số hình ảnh còn thể hiện thiết kế hai tông màu, với cụm camera đen tuyền nổi bật trên nền lưng màu bạc. Song giống nhiều bản dựng lan truyền trên mạng, đây không phải là hình ảnh chính xác của iPhone 17 Pro sắp ra mắt.
Theo nguồn tin của Mark Gurman, iPhone 17 Pro sẽ không sở hữu mặt lưng hai tông màu, mà cụm camera sẽ có màu giống với phần còn lại của máy. Điều này cho thấy Apple đang thực hiện các thay đổi thiết kế một cách từ từ: iPhone 17 Pro không phải là bước ngoặt lớn so với các mẫu hiện tại.
Song, Apple lên kế hoạch thay đổi lớn vào 2027 nhân dịp kỷ niệm 20 năm iPhone ra đời, gồm một mẫu iPhone gập và một phiên bản Pro (iPhone 19 Pro) sử dụng kính nhiều hơn trong thiết kế.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, iPhone 19 Pro sẽ hiện thực hóa tầm nhìn ban đầu của Jony Ive (cựu giám đốc thiết kế Apple) dành cho iPhone. Theo nhiều nguồn tin, Jony Ive (huyền thoại thiết kế iPhone và iPad) đã từ lâu theo đuổi ý tưởng về một chiếc iPhone “trông như một tấm kính liền mạch”. Khái niệm này đã trở nên rõ nét từ thời iPhone X.
Những năm gần đây, Apple chỉ tạo ra các mẫu iPhone ngày càng dày hơn và kém tinh tế hơn về thiết kế. Tuy nhiên, có vẻ hãng đang dần đi theo hướng mà Jony Ive từng mong muốn. Bước chuyển mình này bắt đầu với việc ra mắt mẫu iPhone 17 Air siêu mỏng trình làng vào tháng 9 và có thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong iPhone 19 Pro.
Với nhiều người, một chiếc iPhone sử dụng nhiều kính hơn có thể đồng nghĩa dễ vỡ hơn và khó sửa chữa hơn, nhưng điều đó lại hoàn toàn phù hợp với phong cách của Apple. Việc Apple lựa chọn thời điểm kỷ niệm 20 năm iPhone ra đời để thực hiện một sự “lột xác” như vậy cũng hoàn toàn hợp lý.