Việc siết các lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran có thể làm tê liệt quyền lực của IRGC

Cuộc xung đột Israel với Hamas, Hezbollah và Iran hiện là vấn đề địa chính trị được quan tâm hàng đầu. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra có thể lại thu hút thảo luận về nhu cầu tăng cường lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Truyền thông Iran dẫn các nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng, dự luật ngân sách của Chính phủ Iran mới (2024-2025) cho thấy hơn 50% tổng doanh thu xuất khẩu dầu khí sẽ thuộc về Lực lượng vũ trang Iran. Đồng thời, Chính phủ Iran sẽ nhận được khoảng 37,5% tổng doanh thu xuất khẩu dầu khí, dự kiến vào khoảng 24 tỷ euro. Cụ thể, 12 tỷ euro sẽ dành cho Lực lượng vũ trang, bao gồm Quân đội, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Lực lượng thực thi pháp luật (LEF). Ngân sách cũng nêu rõ 42,5% số tiền còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách hoạt động của Chính phủ, trong khi 6,5% được liên kết với "các dự án đặc biệt".

Mặc dù tổng số tiền không quá lớn, nhưng thực tế lại khác. Nếu tính đến tỷ giá hối đoái chính thức của Euro được ấn định ở mức 502.000 rial vào năm 2025, so với 310.000 rial vào năm 2024, có nghĩa là tổng thu nhập của Lực lượng vũ trang sẽ tăng đáng kể, khi tăng từ 4,3 tỷ euro vào năm 2024 lên 12 tỷ euro vào năm 2025. Phân tích ngân sách cũng cho thấy khoảng 583.000 thùng dầu thô và khí đốt xuất khẩu của Iran được phân bổ cho ngân sách quân sự, dựa trên giá dầu chính thức của ngân sách là 57,5 euro/thùng.

Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu quốc tế, IRGC hiện xuất khẩu 85.000 thùng/ngày sang Syria. Các thùng còn lại dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện đang nắm giữ 95% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Năm 2024, khối lượng xuất khẩu của Lực lượng vũ trang Iran là khoảng 200.000 thùng/ngày, 50% sang Syria và 50% sang Trung Quốc.

Dự luật ngân sách chỉ ra tổng doanh thu xuất khẩu dầu khí là 64 tỷ euro vào năm tới, trong đó 4,8 tỷ euro sẽ đến từ xuất khẩu khí đốt (16 BCM với giá 0,30 euro/mét khối) và 59 tỷ euro từ dầu và các sản phẩm hóa dầu. Ước tính, năm 2025 sẽ chứng kiến các con số cao hơn nhiều so với mức hiện tại. Năm 2023, doanh thu là 37 tỷ euro và nửa đầu năm 2024 là 24 tỷ euro. Một số tiềm năng tăng trưởng doanh thu dự kiến sẽ đến từ đề xuất tăng xuất khẩu 350.000 thùng/ngày, hướng đến mục tiêu tổng cộng 3,75 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào doanh thu xuất khẩu dầu khí chắc chắn là điểm yếu của Iran, đặc biệt là IRGC. Nếu không có doanh thu để duy trì sự ủng hộ của Iran đối với Hamas, Hezbollah, Houthis và dân quân Iraq ở mức tương đương hoặc thậm chí tăng lên khi cần thiết trong cuộc đối đầu toàn diện với Israel, Tehran sẽ mất đi vị thế quyền lực trong khu vực.

Đồng thời, doanh thu dầu khí cũng cần thiết để duy trì sự ổn định của chế độ Iran nói chung, vì nếu không có doanh thu, IRGC sẽ bị suy yếu hoặc bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn khác bên ngoài giới tinh hoa cầm quyền. Tuy nhiên, như đã chỉ ra trong một danh sách dài các báo cáo, cho đến nay, Iran vẫn rất thành công trong hoạt động buôn bán dầu của mình bất chấp các lệnh trừng phạt.

Vai trò của Iran trong nhóm BRICS cũng khiến nước này trở thành một thế lực. Nga có các hợp tác quân sự - quốc phòng với Iran, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ lại phụ thuộc vào dầu của Iran.

Một báo cáo mới (FIN-2004-Alert003) của Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đã kêu gọi các tổ chức tài chính chống lại việc tài trợ cho Hezbollah và những tổ chức khác. Cảnh báo mới này có liên quan trực tiếp đến khuyến cáo năm 2024 về các tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn.

Có thể kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ cho thấy tương lai của tất cả. Trong khi đó, câu trả lời của Israel dành cho Iran cũng vẫn chưa rõ ràng.

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/viec-siet-cac-lenh-trung-phat-dau-mo-iran-co-the-lam-te-liet-quyen-luc-cua-irgc-719675.html