Tại sao Israel tấn công Iran và mối nguy là gì?

Israel và Iran đã có cuộc chiến ngầm trong nhiều năm. Bây giờ, xung đột của họ đã bùng nổ công khai sau khi quân đội Israel đã thực hiện một loạt cuộc không kích nhằm vào Iran hôm thứ Bảy (26/10).

Israel công khai xác nhận cuộc tấn công

Quân đội Israel, trong một tuyên bố lúc 2h30 sáng thứ Bảy, xác nhận rằng họ đang "tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự ở Iran", đồng thời nói thêm rằng họ hành động để đáp trả hơn một năm các cuộc tấn công nhằm vào Israel của Iran và các lực lượng thân Tehran trên khắp Trung Đông.

 Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một cơ sở của Iran bốc cháy sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: Israel Hayom

Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một cơ sở của Iran bốc cháy sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: Israel Hayom

Israel không cho biết ngay các cuộc không kích được thực hiện ở đâu và như thế nào. Nhưng người dân thủ đô Tehran của Iran cho biết đã nghe thấy tiếng nổ ở trong và xung quanh thành phố.

Nhà chức trách Iran cho biết hệ thống phòng không của nước này đã theo dõi và chống trả thành công cuộc không kích của Israel. Theo báo cáo của lực lượng phòng không Iran, Israel đã tấn công các trung tâm quân sự ở các tỉnh Tehran, Khuzestan và Ilam.

Báo cáo cho biết: “Hệ thống phòng không tích hợp đã theo dõi và ngăn chặn thành công hành động hung hăng này, mặc dù thiệt hại chỉ giới hạn ở một số địa điểm và quy mô của sự cố này hiện đang được điều tra”.

Trong khi đó, đoạn phim do Đài truyền hình Al Araby TV công bố cho thấy thiệt hại do cuộc không kích của Israel gây ra ở một nhà máy tại Shamsabad, phía nam Tehran. Các báo cáo chưa được xác minh trên mạng xã hội cho biết ba công nhân đã thiệt mạng tại nhà máy được cho là có liên quan đến việc phát triển và sản xuất máy bay không người lái quân sự.

Về phần mình, quân đội Israel (IDF) cho biết họ đã hoàn tất cuộc không kích nhằm vào những cơ sở sản xuất tên lửa, các hệ thống tên lửa đất đối không và phá hủy năng lực không quân tại một số khu vực của Iran.

Người phát ngôn của IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari trong cuộc họp báo ngày Thứ Bảy (26/10) tuyên bố: “IDF đã hoàn thành các cuộc tấn công chính xác và có mục tiêu vào các mục tiêu quân sự ở một số khu vực tại Iran. Máy bay của chúng tôi đã trở về nhà an toàn”.

Những xác nhận của Israel về cuộc tấn công nhằm vào Iran là một động thái cho thấy mức độ leo thang căng thẳng mới giữa hai nước, bởi trong quá khứ, Israel hiếm khi thừa nhận hoạt động quân sự của mình trên lãnh thổ Iran.

Israel và Iran đã đi đến bước này như thế nào?

Cuộc tấn công của Israel diễn ra vài tuần sau khi Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào Israel, buộc hàng triệu người Israel phải ẩn náu trong hầm trú bom. Iran khi đó cho biết họ đã bắn tên lửa vào Israel để đáp trả việc Israel giết chết một chỉ huy Iran và một số nhà lãnh đạo của các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn trong khu vực.

Song những cuộc giao tranh gần đây giữa Israel và Iran đã phá vỡ thông lệ lâu năm của cả hai nước là tránh đụng độ quân sự trực tiếp. Vậy điều gì đã đẩy đôi bên tới tình trạng như hiện nay?

 Đống đổ nát của một tòa nhà ở Hod Hasharon, Israel, sau khi bị tên lửa từ Iran bắn trúng hồi đầu tháng này. Ảnh: New York Times

Đống đổ nát của một tòa nhà ở Hod Hasharon, Israel, sau khi bị tên lửa từ Iran bắn trúng hồi đầu tháng này. Ảnh: New York Times

Trong nhiều thập kỷ, Iran và Israel đã tham gia vào những gì tương đương với một cuộc chiến tranh ngầm. Iran đã sử dụng một mạng lưới các nhóm đồng minh, bao gồm Hamas và Hezbollah, để tấn công các lợi ích của Israel, và Israel đã ám sát các quan chức cấp cao của Iran và các nhà khoa học hạt nhân và dàn dựng các cuộc tấn công mạng chống lại Iran.

Xung đột giữa họ bùng nổ công khai trong năm nay, sau các cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas vào Israel. Nhưng đôi bên khi đó vẫn kiềm chế không đối đầu trực tiếp cho tới sau sự kiện Israel tấn công vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria, khiến ba chỉ huy cấp cao của Iran thiệt mạng hồi tháng 4.

Sau sự kiện đó, Iran đã phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái vào Israel trong cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của họ nhằm vào đối thủ này - để trả đũa. Israel đã ngăn chặn được hầu như tất cả tên lửa của Iran bằng cách sử dụng hệ thống phòng không của mình, với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh khác. Nhưng một phần, cũng nhờ Iran đã báo trước về cuộc tấn công rồi mới khai hỏa.

Sau đó, vào cuối tháng 7, các chiến đấu cơ của Israel đã tiến hành không kích giết chết một chỉ huy cấp cao của Hezbollah tại thủ đô Beirut của Lebanon, để trả đũa cho một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến ít nhất 12 người chết. Một ngày sau, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở Tehran.

Chính phủ Iran và Hezbollah đã tuyên bố sẽ trả đũa nhưng khiến nhiều người ngạc nhiên là Iran không có hành động ngay lập tức. Cho tới ngày 1/10, Iran mới phóng một loạt tên lửa vào Israel, mà Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cho biết là để trả đũa cho vụ ám sát ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah và một chỉ huy Iran.

 Một cuộc biểu tình tại Tehran, thủ đô Iran, để lên án Israel hồi tháng 7 sau khi nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, bị ám sát tại đây. Ảnh: New York Times

Một cuộc biểu tình tại Tehran, thủ đô Iran, để lên án Israel hồi tháng 7 sau khi nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, bị ám sát tại đây. Ảnh: New York Times

Trong cuộc không kích vào tháng 4, Israel chỉ đợi khoảng 5 ngày để đáp trả Iran bằng một số cuộc không kích hạn chế nhằm vào những căn cứ quân sự ở tỉnh Isfahan. cuộc tấn công ngày 1/10 của Tehran. Nhưng nhiều yếu tố khác nhau dường như đã quyết định thời gian chuẩn bị lâu hơn cho phản ứng lần này, bao gồm các cuộc đàm phán giữa Israel và Mỹ, sự xuất hiện của hệ thống phòng không Mỹ và các ngày lễ của người Do Thái.

Mục tiêu tiềm năng của Israel là gì?

Sau khi làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng Hezbollah và Hamas, Israel đã cố gắng cân bằng các mục tiêu chiến lược của mình với mối lo ngại từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, rằng một cuộc tấn công mới có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Hồi đầu tháng, hai quan chức cao cấp của Israel tiết lộ với báo New York Times rằng chính quyền nước này đã nói với chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng họ sẽ tránh tấn công các địa điểm làm giàu hạt nhân và sản xuất dầu của Iran. Các quan chức này đề nghị giấu tên để thảo luận về đề tài ngoại giao nhạy cảm, cho biết Israel đã đồng ý tập trung tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Iran.

Tính đến sáng sớm thứ Bảy tại Iran, vẫn chưa rõ Israel đã hoặc không tấn công vào mục tiêu nào. Nhưng việc tránh các cơ sở hạ tầng hạt nhân hoặc dầu mỏ có thể làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa hai đối thủ, đồng nghĩa giảm nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang lan rộng, tàn phá khu vực. Nó cũng làm giảm mối lo ngại của Mỹ về việc bị kéo vào một cuộc đối đầu lớn hơn ở Trung Đông trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới rất gần.

Theo báo Times of Israel, một thông điệp răn đe đã được Israel gửi tới Iran thông qua bên trung gian, rằng Tehran đừng dại dột phản ứng lại cuộc tấn công này nếu không muốn hậu quả nặng nề hơn.

Năng lực tấn công của Israel có thể vươn tới đâu?

Gần đây, Israel đã chứng minh rằng họ có khả năng thực hiện các cuộc không kích từ khoảng cách xa.

Trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen hồi cuối tháng 9, các chiến đấu cơ Israel đã bay gần 2000 km để oanh tạc những nhà máy điện và cơ sở hạ tầng của không quân đối phương. Trong chiến dịch đó, hàng chục máy bay chiến đấu đã được tiếp nhiên liệu giữa chừng.

 Các chiến đấu cơ hiện đại của Israel. Không quân nước này từng tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen, cách xa Israel tới 2000 km. Ảnh: WarZone

Các chiến đấu cơ hiện đại của Israel. Không quân nước này từng tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen, cách xa Israel tới 2000 km. Ảnh: WarZone

Một cuộc tấn công trên không vào Tehran, cách Israel khoảng 1.600 km, cũng chỉ đặt ra phạm vi tác chiến tương tự. Iran có hệ thống phòng không mạnh hơn nhiều so với Lebanon và Yemen, nhưng Israel đã chứng minh rằng họ có thể chiếm ưu thế.

Vào tháng 4, để trả đũa cho loạt tên lửa đầu tiên của Iran, một cuộc không kích của Israel đã phá hủy một hệ thống phòng không S-300 gần Natanz, một thành phố ở miền trung Iran có vai trò quan trọng đối với chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Các quan chức phương Tây và Iran cho biết Israel đã triển khai máy bay không người lái và ít nhất một tên lửa được bắn từ máy bay tiêm kích trong cuộc tấn công đó. Cuộc tấn công đó cho thấy Israel có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Iran và làm tê liệt chúng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan tư vấn chính trị tại Washington, Israel có thêm các lựa chọn: tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho 2 , có thể bắn tới mục tiêu cách xa khoảng 3.200 km, và tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho 3 , có thể bắn tới mục tiêu cách xa hơn 6000 km.

Lập trường của Mỹ, có ý nghĩa quan trọng với cuộc chiến tiềm tàng giữa Israel và Iran. Tổng thống Joe Biden mới đây từng tuyên bố ông sẽ không ủng hộ cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Nhưng một số nhà phân tích nói với báo New York Times rằng, bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và việc ông Joe Biden không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai khiến Nhà Trắng khó có thể tác động và hạn chế được hành động của Israel lúc này.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-israel-tan-cong-iran-va-moi-nguy-la-gi-post318581.html