Việc sửa đổi luật phù hợp thực tế, mang tính nhân văn, trách nhiệm

Ngày 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tờ trình.

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV, 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS và là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy vậy, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều là cần thiết. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) gồm 3 điều. Nội dung cơ bản của Luật dựa trên hai chính sách: Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Mục đích là tạo hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Toàn cảnh phiên họp.

Nhiều quy định mới mang tính nhân văn, trách nhiệm

Thảo luận về dự thảo Luật, nhiều đại biểu nhất trí việc điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS (Khoản 2, Điều 11). Đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) tán thành bổ sung đối tượng là người có quan hệ tình dục đồng tính nam, người chuyển đổi giới tính và các đối tượng khác. Tuy nhiên, ngoài các đối tượng có nguy cơ cao, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là học sinh, sinh viên…, vì đây là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai của xã hội, rất cần được trang bị đủ kiến thức.

Đại biểu Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ) nhất trí quy định giảm độ tuổi được quyền xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, lo ngại trẻ em có những suy nghĩ tiêu cực, kéo theo những hệ lụy nguy hiểm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về độ tuổi được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV dưới góc độ các căn cứ khoa học.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá, đây là Luật sửa đổi, bổ sung có sự cập nhật, cần thiết, trách nhiệm và nhân văn.

“Trước đây, chúng ta chỉ chú ý đến người phơi nhiễm, người nhiễm và người bị AIDS. Bây giờ, chú ý cả những người trước phơi nhiễm, chỉ nghi ngờ là đã cho xét nghiệm và cho thuốc. Việc này rất tốt để phòng ngừa, giảm HIV”, đại biểu khẳng định.

Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn với quy định phụ nữ mang thai tự nguyện được xét nghiệm HIV miễn phí thì ai trả phí cho cơ sở làm xét nghiệm, nhất là bây giờ hầu hết các cơ sở bệnh viện đều tự chủ và nhiều trường hợp phụ nữ làm xét nghiệm nhưng lại đến các cơ sở tư nhân. “Nên chăng, Luật cần quy định rõ điều này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Quan tâm tới vấn đề việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) dẫn chứng, hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV cần được tiếp cận dịch vụ phòng, chống để họ không lây nhiễm HIV cho người khác và cần được điều trị bằng thuốc suốt đời. Đại biểu cho rằng đây là một thách thức lớn, không chỉ về chuyên môn, mà cả về tài chính. Chính sách, cơ chế hỗ trợ và việc tìm kiếm thu nhập là giải pháp căn cơ và phù hợp nhất, làm giảm áp lực lên các chính sách cũng như ngân sách.

“Cần có những điều khoản, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức khác một cách dễ dàng để tham gia sản xuất, tăng thu nhập”, đại biểu đề xuất.

Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phát huy nội lực ở trong nước, đầu tư, thu hút những chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm phòng, chống HIV/AIDS…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, có 22 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 đại biểu phát biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/981695/viec-sua-doi-luat-phu-hop-thuc-te-mang-tinh-nhan-van-trach-nhiem