Viêm da dị ứng: Điều trị thế nào cho hiệu quả?

Viêm da dị ứng thường diễn ra theo một quá trình kéo dài và tái phát, có liên quan đến tiền sử cá nhân và gia đình bị dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng thực phẩm); nhiễm trùng da thường xuyên...

1. Triệu chứng viêm da dị ứng

Triệu chứng viêm da dị ứng thường thay đổi tùy theo tuổi của bệnh nhân.

- Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Đặc trưng bởi các tổn thương dạng chàm cấp tính và bán cấp tính; thường xuất hiện ở má, cổ; ít gặp hơn ở bề mặt duỗi của thân và tứ chi. Các vùng giữa mặt và vùng mang tã thường không bị.

- Từ 2 đến 12 tuổi: Đặc trưng bởi các tổn thương dạng chàm bán cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến các hố khuỷu và hố khoeo, các vùng quanh miệng, quanh hốc mắt và các đầu xa của chi (bàn tay, cổ tay, mắt cá chân và bàn chân). Các dát và khoảng giảm sắc tố được gọi là bệnh vảy phấn trắng (pityriasis alba) thường thấy trên mặt và tứ chi.

- Từ 12 tuổi trở lên: Biểu hiện tương tự như viêm da dị ứng ở thời thơ ấu nhưng biểu hiện rõ hơn ở mí mắt, cổ, ngực và tay. Da bị lichen hóa, nứt nẻ và khô.

Không nên gãi khi bị viêm da dị ứng.

Không nên gãi khi bị viêm da dị ứng.

2. Điều trị viêm da dị ứng

Dựa vào các triệu chứng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương án chữa bệnh viêm da dị ứng phù hợp và hiệu quả nhất:

2.1 Sử dụng thuốc trị viêm da dị ứng

Đa số bệnh nhân viêm da dị ứng thường lựa chọn các loại thuốc điều trị bên ngoài khi bệnh mới khởi phát. Ưu điểm của những loại thuốc này thường có tác dụng làm dịu da, giảm triệu chứng rất nhanh chóng. Tuy nhiên, không ít người bị kích ứng khiến tình trạng dị ứng nghiêm trọng hơn khi tự ý sử dụng các loại thuốc bôi. Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Lựa chọn đầu tiên là kem làm mềm da + steroid tại chỗ. Thuốc kháng histamine uống rất hữu ích để kiểm soát ngứa. Ưu tiên dùng quần áo bằng vải cotton và nên giặt bằng chất tẩy rửa nhẹ.

- Kem làm mềm da: Sử dụng kem dưỡng ẩm làm mềm da giảm ngứa ngáy, nóng đỏ khá hiệu quả cho người bệnh. Đa số các loại kem cấp ẩm có tính thấm, bay hơi nhanh, khôi phục hàng rào bảo vệ cơ thể cho làn da. Kem dưỡng ẩm nên được thoa hằng ngày, lâu dài.

- Steroid bôi da: Thuốc hiệu quả cho chứng viêm da dị ứng cấp độ nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp viêm nhiễm nặng, cần kết hợp thêm các loại thuốc điều trị toàn thân khác để phát huy công dụng tốt nhất.

Lưu ý, người bệnh điều trị bằng steroid phải tuân thủ hướng dẫn và liều lượng theo kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.

- Thuốc kháng histamin: Sử dụng với mục đích ức chế phản ứng dị ứng, giảm ngứa rát, nóng đỏ ngoài da. Thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau như viên uống, dạng xịt ngoài...

- Thuốc gây tê tại chỗ: Sử dụng với công dụng giảm triệu chứng nóng rát, tấy đỏ ngoài da. Loại thuốc này ít hấp thu và chỉ tác động lên bề mặt nên có thể sử dụng với vùng da có vết thương hở.

Lựa chọn thứ hai: Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (tacrolimus hoặc pimecrolimus). Cân nhắc sử dụng quang trị liệu, methotrexate, mycophenolate mofetil hoặc cyclosporine cho những trường hợp bệnh nặng hoặc kháng trị.

Phác đồ điều trị viêm da dị ứng còn có thể cần sử dụng kháng sinh ngoài da nếu có bội nhiễm hoặc phải dùng kháng sinh toàn thân nếu bội nhiễm nặng mà kháng sinh tại chỗ không kiểm soát được.

2.2 Phương pháp làm dịu ngứa

Khi xuất hiện các triệu chứng mẩn ngứa, phát ban ngoài da, người bệnh có thể lựa chọn cách chườm lạnh, tắm mát.

Khi chườm lạnh hoặc tắm nước mát, hơi lạnh sẽ làm dịu cơn ngứa, giảm mề đay, nổi đỏ ngoài da. Đồng thời cũng giúp ngăn chặn tình trạng mẩn đỏ lan rộng khắp toàn thân, khiến người bệnh dễ chịu hơn.

Cần lưu ý rằng, không áp trực tiếp đá lạnh lên da mà cần bọc trong một lớp vải sạch. Đồng thời, tránh chườm đá hoặc tắm quá lâu, tránh tác động lên vùng có vết thương hở vì nhiệt độ thấp có thể kéo theo nhiều nguy cơ nhiễm trùng khác.

Chườm mát cũng làm dịu tình trạng ngứa khi bị viêm da dị ứng.

Chườm mát cũng làm dịu tình trạng ngứa khi bị viêm da dị ứng.

Bổ sung thêm nước cho cơ thể cũng là một biện pháp giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu của viêm da dị ứng. Uống nhiều nước giúp cơ thể thanh lọc tốt hơn, đặc biệt hỗ trợ khả năng đào thải độc tố của gan. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nóng rát, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy... người bệnh chú ý uống thêm nhiều nước để giảm nhanh tình trạng này.

Trong quá trình điều trị viêm da dị ứng, người bệnh không để da tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả hơn. Lưu ý không được gãi hay sờ chạm vào các nốt phát ban để dự phòng nguy cơ bội nhiễm hoặc kích ứng da nghiêm trọng hơn.

Việc điều trị viêm da dị ứng cho đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó điều quan trọng là bệnh nhân cần kiên trì tuân thủ điều trị. Khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tình trạng viêm da dị ứng sẽ nhanh chóng cải thiện và không để lại sẹo gây mất thẩm mỹ trên bề mặt da.

Mời độc giả xem thêm video:

4 việc nên làm khi ăn vải để không bị nóng và tăng cân | SKĐS

BS.Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-da-di-ung-dieu-tri-the-nao-cho-hieu-qua-169230602164459498.htm