Viêm não gia tăng, nhiều ca nhập viện nặng và tử vong
Trong khi sốt xuất huyết, cúm A đang bùng phát mạnh, trẻ nhỏ lại đối mặt với bệnh viêm não và viêm màng não đang gia tăng. Theo Bộ Y tế, 1 tháng qua ghi nhận 3 ca viêm não tử vong/49 ca mắc. Nhiều phụ huynh lầm tưởng tiêm vaccine viêm não Nhật Bản 1-3 mũi là phòng bệnh lâu dài cho con, mà không tiêm nhắc lại, khiến con mắc bệnh, thậm chí có trẻ nặng phải thở máy, hoặc tàn tật suốt đời.
Nhiều mẹ quên tiêm vaccine nhắc lại cho con
Điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương, bé trai 9 tuổi ở Thái Nguyên đang hôn mê, phải thở máy, tiên lượng để lại nhiều di chứng kể cả khi đã vượt qua nguy hiểm. Theo mẹ của bé, trước khi vào viện, con sốt cao li bì, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, gia đình đưa tới trạm y tế xã, rồi chuyển lên bệnh viện tuyến huyện nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bé rơi vào tình trạng co giật, lơ mơ, giảm ý thức và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản, đáp ứng kém với phác đồ điều trị, tình trạng rất nặng, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhi thở máy. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng của bé có cải thiện, song vẫn còn nặng. Mẹ của bé chia sẻ, gia đình không nhớ cháu đã tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản hay chưa, chỉ biết đã tiêm phòng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, điều chắc chắn là cháu bé đã không tiêm mũi vaccine nhắc lại. “Vào đây bác sĩ nói tôi mới biết phải tiêm mũi vaccine nhắc lại”, mẹ bé cho biết.
Không chỉ riêng trường hợp này mà rất nhiều trẻ nhập viện khi khai thác tiền sử gia đình chưa tiêm vaccine do không để ý, quên tiêm nhắc lại, hoặc bây giờ mới biết phải tiêm mũi nhắc lại. Có phụ huynh cho biết, tưởng con 5 tuổi là đã tiêm đủ vaccine rồi, nên không để ý phải tiêm mũi nhắc lại. Điển hình của việc không tiêm vaccine mũi nhắc lại là nam sinh 14 tuổi (Trà Vinh) được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng hôn mê. Cách đây 1 tháng, bệnh nhi bị sốt và đau đầu, gia đình mua thuốc tạm điều trị trong 2 ngày để cháu hoàn thành kỳ thi cuối kỳ. Tuy nhiên, nam sinh đau đầu dữ dội, co giật, phải chuyển cấp cứu lên TP Hồ Chí Minh. Tại đây nam sinh được chẩn đoán viêm não Nhật Bản, thở máy, tuy tính mạng đã được cứu sống, nhưng di chứng để lại nặng nề, đến nay đã 1 tháng mà bệnh nhân vẫn chưa nhận biết được xung quanh. Theo mẹ của nam sinh, cháu mới tiêm 1 mũi vaccine viêm não Nhật Bản, không nhớ đã tiêm mũi nhắc lại hay chưa.
Di chứng nặng nề
Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 110 trường hợp viêm não do virus, trong đó có 3 ca tử vong, 8 ca viêm màng não do mô cầu. Viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có nhóm arbovirus lây truyền qua muỗi, bọ chét, ve; trong nhóm này nổi bất nhật là virus gây bệnh viêm não Nhật Bản. Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho 25 trẻ mắc viêm não, viêm màng não. Các bác sĩ cho biết, hầu hết các ca nhập viện đều nặng, thậm chí có ca biến chứng phải thở máy do phụ huynh đưa trẻ đến viện muộn, bị suy hô hấp.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh, những năm qua tỷ lệ mắc tuy đã giảm, song Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tiếp nhận khoảng 50 ca/năm vào nhập viện. Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh là do hầu hết phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nếu không tiêm nhắc lại, kháng thể không đủ để bảo vệ trẻ nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia dịch tễ, từ tháng 5 đến tháng 8 là giai đoạn thường ghi nhận sự gia tăng của bệnh viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là trẻ em từ 2-8 tuổi. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao nên theo khuyến cáo của các BS, phụ huynh phải tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho con. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau khi trẻ tiêm mũi 2 được 1 năm. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-5 năm đến khi 15 tuổi.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/viem-nao-gia-tang-nhieu-ca-nhap-vien-nang-va-tu-vong-i661298/