Viêm ruột không chữa trị dễ dẫn tới ung thư

Viêm ruột là một bệnh lý về tiêu hóa ngày càng nhiều người mắc phải. Bệnh nếu không phát hiện sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cần lựa chọn thực phẩm, chế biến đúng quy cách và rửa tay trước khi ăn để phòng bệnh viêm ruột. Ảnh minh họa

Cần lựa chọn thực phẩm, chế biến đúng quy cách và rửa tay trước khi ăn để phòng bệnh viêm ruột. Ảnh minh họa

Nhiều biến chứng nguy hiểm từ viêm ruột

Anh Nguyễn Thành (ở Quốc Oai, Hà Nội) vào viện khám vì thường xuyên bị tiêu chảy. Ban đầu anh nghĩ là do bị ngộ độc thức ăn, nhưng cứ vài tháng anh lại bị một đợt tiêu chảy mất gần tuần. Gần đây, tình trạng anh "đi" nhiều hơn, tình trạng nặng hơn nên vào viện kiểm tra. Các bác sĩ nội soi ruột chẩn đoán anh bị viêm ruột mạn tính.

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - Đại học Y Hà Nội cho biết, viêm ruột là một trong các bệnh về tiêu hóa. Những năm gần đây, ghi nhận số lượng người bệnh mắc viêm ruột ngày càng gia tăng. Ngày xưa, hãn hữu mới gặp một ca viêm ruột nhưng hiện trung bình mỗi tuần có vài ba ca nhập viện và khoảng 10 ca đến khám.

Viêm ruột là một bệnh có tính chất tự miễn. Viêm loét đại tràng mạn hay bệnh Crohn đều thuộc viêm ruột. Tổn thương viêm nếu không được xử trí sớm, với viêm loét đại trực tràng sẽ gặp biến chứng chảy máu gây ra đợt nhiễm trùng nặng, suy giảm miễn dịch, chảy máu dẫn tới suy kiệt. Những viêm loét này gây tổn thương hầu hết đại tràng, nguy cơ ung thư rất cao. Khi tổn thương ăn sâu vào thành ống tiêu hóa gây ra viêm phúc mạc ruột phải mổ cấp cứu. Nếu không điều trị khi xảy ra biến chứng sẽ phải phẫu thuật cắt từng đoạn ruột. Đáng nói là người bệnh thường đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, bắt đầu xuất hiện các tổn thương viêm loét đại trực tràng chảy máu.

Những trường hợp bị viêm ruột mạn tính sẽ dễ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến suy dinh dưỡng. Không ít bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng như rò hậu môn, ápxe hậu môn, bị thủng ruột, bị xuất huyết tiêu hóa, thậm chí phải cắt hết trực tràng…

Tại Hội nghị "Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu", TS Đào Việt Hằng – Viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, Gan mật cho rằng, bệnh nhân bị các bệnh lý viêm ruột tăng lên ở cả các cơ sở y tế Ngoại khoa và Nội khoa. Với Nội khoa, bệnh nhân đến sớm hơn và bằng công nghệ nội soi hiện đại nên người bệnh được chẩn đoán ở các giai đoạn sớm. Còn với Ngoại khoa, người bệnh chủ yếu khi vào đã bị biến chứng, trong đó chủ yếu là thủ, dò hậu môn, suy kiệt…

Dấu hiệu của bệnh viêm ruột dễ nhận thấy là đau bụng, rối loạn phân như phân nhày máu, tiêu chảy, sút cân… Tuy nhiên, đây cũng là những dấu hiệu không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với nhóm bệnh lý tiêu hóa dưới khác, nhầm lẫn với lao ruột... Bởi vậy, khi có các dấu hiệu này đau bụng kéo dài, sút cân cần đến cơ sở y tế kiểm tra sớm. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám, nội soi và một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác.

Theo các chuyên gia, căn nguyên gây bệnh viêm ruột vẫn chưa xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh viêm ruột mạn tính hiện nay có liên quan đến môi trường sống như thức ăn không đảm bảo vệ sinh, môi trường vi sinh vật trong ruột thay đổi. Trước đây, thức ăn truyền thống có nhiều rau, nhiều chất xơ thì ngày nay chúng ta ăn ít rau và chất xơ, nhiều chất đạm, đồ ăn nhanh. Cùng với đó là sự thay đổi môi trường tạo điều kiện thuận lợi để sinh ra vi khuẩn gây bệnh. Điều này làm rối loạn và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.

Phòng bệnh từ thói quen sinh hoạt

TS Đào Việt Hằng.

TS Đào Việt Hằng.

TS Đào Việt Hằng cho rằng, bệnh lý đường tiêu hóa thường dai dẳng và có yếu tố liên quan đến lối sống, sinh hoạt. Nếu kiểm soát tốt nhiễm khuẩn tiêu hóa và có chế độ dinh dưỡng vệ sinh thì nguy cơ xuất hiện bệnh viêm ruột là rất ít.

Ở những người mắc bệnh viêm ruột mãn tính người ta thấy các bệnh nhân bị bệnh này thường giảm tính đa dạng của hệ vi sinh đường ruột, giảm tỷ lệ các vi khuẩn có lợi và tăng vi khuẩn có hại. Một số tác giả nghiên cứu đề xuất phương pháp ghép phân, tức ghép phân của người khỏe mạnh vào những người bị bệnh viêm ruột mãn tính với hi vọng là có thể thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột làm giảm quá trình viêm ruột cho bệnh nhân.

Các chuyên gia cho rằng, mọi người cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm, chế biến đúng quy cách và rửa tay trước khi ăn là biện pháp đơn giản nhất để phòng bệnh. Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột mọi người cần lưu ý:

Tránh những thực phẩm làm viêm ruột nặng hơn: Thức ăn cay, rượu và thức ăn uống có chứa caffein như sôcôla, soda, café... Tình trạng tiêu chảy, đau bụng và trướng bụng ở bệnh viêm ruột có thể cải thiện khi hạn chế các sản phẩm sữa.

Đảm bảo chất xơ cho cơ thể và chia nhỏ bữa ăn: Mỗi ngày ăn ít nhất 1-2 phần rau và trái cây. Một phần rau đương tương với một đĩa rau bình thường, khoảng 100g rau đã luộc và trái cây.

Đảm bảo uống đủ nước: Hạn chế rượu và đồ uống có chứa caffein kích thích ruột và có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn, trong khi đồ uống có ga thường xuyên tạo ra khí.

Khám khi có rối loạn tiêu hóa kéo dài để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt: Người bệnh đừng tự chẩn đoán, tự mua các loại thuốc cầm tiêu chảy, nhuận tràng hay lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Điều trị viêm ruột hiện thường dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng như các thuốc chống viêm (mesalamine, olsalazine và balsalazide) và chất ức chế miễn dịch (steroids, cyclosporin, azathioprine và kháng thể chống TNF).

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/viem-ruot-khong-chua-tri-de-dan-toi-ung-thu-20190930192524398.htm