Viêm tai ngoài ác tính: bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Tìm hiểu những triệu chứng, nguyên nhân của bệnh viêm tai ngoài ác tính và cách phòng tránh

Một bệnh nhân nam, 70 tuổi (ở Gia Viễn, Ninh Bình), có tiền sử bệnh tiểu đường không kiểm soát (không dùng thuốc trị tiểu đường trong một thời gian dài) đến gặp bác sĩ khám vì đau mặt và tai bên trái ngày càng tăng trong hơn một tháng qua. Dịch đặc vàng chảy ra từ tai trái. Bệnh nhân bị giảm thính lực tai trái. Cảm nhận khuôn mặt bên trái bệnh nhân hơi sưng. Ông còn có các biểu hiện: Sốt 39,5 độ, HA 145/95mmHg, Glucose máu 19,5mmol/l.
Bác sĩ thăm khám và nhận thấy: Mặt bệnh nhân không đối xứng, đáng chú ý với tai trái bị phù nề đẩy về phía trước, đặc biệt vùng trước và dưới tai trái. Xuất hiện ban đỏ và chai cứng phía trên vành và gò má trái. Cửa tai trái có nhiều mủ vàng đặc, hôi. Thính lực tai trái giảm dạng dẫn truyền và mức độ trung bình. Phản ứng xương chũm (+).
Bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân đã bị viêm tai ngoài ác tính.

Viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng tai phổ biến thường gặp ở những người bơi lội. Quá trình viêm khu trú từ cửa tai vào tới màng nhĩ. Trong một số trường hợp, viêm tai ngoài có thể lan sang các mô xung quanh, bao gồm cả xương hàm và mặt, xương chũm và hố cảnh, trường hợp này được gọi là viêm tai ngoài ác tính. Đây là hiện tượng nhiễm trùng nặng – KHÔNG PHẢI UNG THƯ.

Một tên gọi khác của viêm tai ngoài ác tính là viêm tai ngoài hoại tử. Viêm tai ngoài ác tính nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm tai ngoài ác tính do các vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus gây ra. Hơn 90% những người bị viêm tai ngoài ác tính mắc bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tai ngoài ác tính
Tình trạng này xảy ra khi có hiện tượng suy giảm miễn dịch của cơ thể như: Đái tháo đường, đang hóa trị, có HIV/AIDS… Khi hệ thống miễn dịch bị tổn thương và vi khuẩn xâm nhập vào ống tai, cơ thể người bệnh sẽ gặp khó khăn để ngăn chặn quá trình viêm, từ đó, nhiễm trùng có thể làm tổn thương mô ống tai và xương ở đáy hộp sọ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến não, dây thần kinh sọ và các bộ phận khác của cơ thể.

Biểu hiện của viêm tai ngoài ác tính
Bệnh nhân viêm tai ngoài ác tính thường sốt cao 39-40 độ, bị chảy dịch màu vàng hoặc xanh lục dai dẳng và có mùi hôi từ tai tổn thương. Bệnh nhân thấy đau tai, đặc biệt khi thay đổi tư thế đầu. Da xung quanh tai sưng, đỏ. Bệnh nhân mất thính lực. Ngứa dai dẳng trong ống tai. Khó nuốt. Yếu ở cơ mặt. Bị khan hoặc mất tiếng.

Dấu hiệu Hallmark: tổ chức u hạt ở phần nối giữa xương và sụn tại thành dưới tai ngoài

Dấu hiệu Hallmark: tổ chức u hạt ở phần nối giữa xương và sụn tại thành dưới tai ngoài

Khi có những dấu hiệu trên, bạn nên đến thăm khám bác sĩ. Thày thuốc sẽ hỏi lịch sử bệnh cũng như khám tình trạng toàn thân để đánh giá hệ thống miễn dịch. Khám tai và các cấu trúc xung quanh tai: đánh giá tình trạng sưng – nóng – đỏ - đau và chảy dịch…
Bạn có thể được chỉ định xét nghiệm dịch tai ngoài: soi tươi và nuôi cấy. Nếu thấy cần thiết bác sĩ có thể chỉ định bạn khám chuyên khoa thần kinh và thực hiện thêm chụp CT và hoặc MRI sọ não để có cơ sở kết luận.

Điều trị như thế nào?
Với bệnh nhân viêm tai ngoài ác tính, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh toàn đường tĩnh mạch, tiêm hoặc uống, thậm chí có thể kéo dài vài tháng. Điều trị cho đến khi các xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng đã hết hoàn toàn.
Có trường hợp bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật, nạo vét tổ chức viêm.
Cần điều trị triệt để các viêm nhiễm tại tai ngoài cho tới khi khỏi hẳn.

Để ngăn chặn viêm tai ngoài ác tính, cần dừng ngay thói quen lau ngoáy tai bằng bất cứ vật dụng gì (tăm bông, bông ngoáy tai, que lấy ráy tai vv…). Nếu hệ thống miễn dịch bị suy giảm cần thực hiện các bước để bảo vệ sức khỏe như: Kiểm soát đường huyết, tuân thủ các loại thuốc để kiểm soát sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể… Hãy đặc biệt lưu ý rằng: Hệ thống miễn dịch suy giảm – nhiễm trùng tái diễn có thể gây tổn thương dây thần kinh sọ não và não. Viêm tai ngoài ác tính có thể dẫn đến thương tích vĩnh viễn và thậm chí tử vong. Vì vậy, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát./.

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/viem-tai-ngoai-ac-tinh-benh-co-the-gay-nguy-hiem-den-tinh-mang-post1028830.vov