Viêm vú: Cẩm nang cho mẹ và những ai cần biết

Viêm vú là tình trạng nhiễm trùng ở mô của một hoặc cả hai tuyến vú bên trong vú. Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ cho con bú.

NỘI DUNG

1. Triệu chứng của viêm vú

2. Điều trị viêm vú

3. Nguyên nhân viêm vú

4. Các biện pháp khắc phục viêm vú tại nhà

5. Biến chứng của viêm vú

Viêm vú xảy ra trong quá trình cho con bú còn được gọi là viêm vú sau sinh. Tỷ lệ mắc bệnh ở các bà mẹ sau sinh ước tính khoảng 10%, mặc dù các nghiên cứu cho thấy sự khác biệt lớn, dao động từ một số ít trường hợp đến 33%. Bệnh thường xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu sau sinh nhưng cũng có thể xảy ra đến 2 năm sau đó.

Một số bà mẹ nhầm lẫn đã cai sữa cho con khi bị viêm vú. Trong hầu hết các trường hợp, nên tiếp tục cho con bú trong thời gian bị viêm vú. Viêm vú thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú.

Đôi khi, bệnh có thể ảnh hưởng đến phụ nữ không cho con bú nhưng điều này không phổ biến. Trong những trường hợp rất hiếm, bệnh có thể ảnh hưởng đến nam giới.

1. Triệu chứng của viêm vú

Viêm vú xảy ra trong quá trình cho con bú đôi khi có thể ảnh hưởng đến phụ nữ không cho con bú.

Viêm vú xảy ra trong quá trình cho con bú đôi khi có thể ảnh hưởng đến phụ nữ không cho con bú.

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng có thể phát triển nhanh chóng, có thể bao gồm:

Một vùng ở vú trở nên đỏ và sưng.
Vùng vú bị ảnh hưởng đau khi chạm vào.
Vùng bị ảnh hưởng cảm thấy nóng khi chạm vào.
Cảm giác nóng rát ở vú có thể luôn xuất hiện hoặc chỉ khi cho con bú.
Các triệu chứng giống như cúm.

Các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện:

Lo lắng và cảm thấy căng thẳng.
Ớn lạnh và rùng mình.
Tăng nhiệt độ cơ thể.
Mệt mỏi.
Đau nhức toàn thân.
Cảm giác khó chịu trong người.

2. Điều trị viêm vú

Phương pháp điều trị đầu tiên là các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như đảm bảo vú được dẫn lưu đúng cách trong khi cho bú. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và cũng khuyến nghị các kỹ thuật để điều trị ống dẫn sữa bị tắc, nếu đây là nguyên nhân.

Một số nghiên cứu cho thấy thuốc kháng sinh không giúp ích và có thể không phù hợp trong thời gian cho con bú, do đó nên thử các biện pháp không dùng thuốc trước.

Nếu xảy ra các biến chứng và tình trạng tiến triển nhanh chóng hoặc nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần nhập viện, điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nên hỏi bác sĩ về việc điều trị các triệu chứng đau và sốt bằng acetaminophen hoặc Tylenol. Nếu tình trạng viêm vú không cải thiện, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để khám lại.

3. Nguyên nhân viêm vú

3.1. Viêm vú khi cho con bú

Viêm vú xảy ra ở khoảng 10% bà mẹ đang cho con bú.

Viêm vú xảy ra ở khoảng 10% bà mẹ đang cho con bú.

Viêm vú khi cho con bú thường là do ống dẫn sữa bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn gây ra tình trạng ứ đọng sữa, khi sữa được sản xuất không chảy ra trong khi cho bú và vẫn còn trong vú.

Điều này có thể xảy ra nếu trẻ:

Không ngậm bắt vú đúng cách.
Gặp khó khăn khi mút sữa ra khỏi vú.
Cho bú không thường xuyên.
Ống dẫn sữa cũng có thể bị tắc nghẽn do áp lực lên vú gây ra bởi quần áo chật.

Thông thường, các bà mẹ sẽ đặt một ngón tay vào cùng một vị trí mỗi ngày để vú mẹ không tì vào mũi của bé khi bú, điều này sau đó dễ khiến một ống dẫn sữa bị tắc.

Bất cứ điều gì ngăn cản sữa được tiết ra đúng cách thường sẽ dẫn đến ứ đọng sữa và điều này thường dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn sữa.

Vi khuẩn thường không phát triển mạnh trong sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu các ống dẫn sữa bị tắc nghẽn và sữa bị ứ đọng, nhiễm trùng có nhiều khả năng xảy ra hơn. Vi khuẩn trên bề mặt da có thể xâm nhập vào vú qua các vết nứt nhỏ hoặc vết rách.

3.2. Viêm vú khi không cho con bú

Phụ nữ không cho con bú tức là không sản xuất sữa hoặc không cho con bú cũng có thể bị viêm vú. Điều này không phổ biến và được gọi là viêm vú quanh ống dẫn. Những người bị viêm vú nhiễm trùng không do cho con bú thường là người hút thuốc lá thường xuyên và ở độ tuổi cuối 20 đến đầu 30.

Các bác sĩ cũng cho rằng, hút thuốc có thể làm hỏng các ống dẫn sữa, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng hơn.

4. Các biện pháp khắc phục viêm vú tại nhà

Các kỹ thuật tự chăm sóc sau đây thường có thể giải quyết tình trạng tắc ống dẫn sữa trong khi cho con bú:

Uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ.
Cho con bú thường xuyên hoặc vắt sữa nếu không thể cho bú trực tiếp.
Bắt đầu cữ bú bằng bên vú bị ảnh hưởng để đảm bảo nó được dẫn lưu thường xuyên hơn.
Sau khi cho bú, nhẹ nhàng vắt hết lượng sữa còn lại.
Nhờ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng xem bé có ngậm bắt vú đúng cách không.
Thử các tư thế cho bú khác nhau để tìm ra tư thế dẫn lưu sữa hiệu quả nhất.
Thay đổi tư thế thường xuyên.
Làm ấm vú bằng khăn ấm trước khi cho bú vì điều này đôi khi có thể giúp bé dễ dàng lấy sữa ra hơn.
Chườm lạnh sau khi cho bú để làm dịu sự khó chịu.
Sử dụng các kỹ thuật xoa bóp để giúp sữa chảy và xoa bóp ống dẫn sữa bị tắc trong khi cho bú.
Mặc quần áo rộng rãi.
Hướng cằm của bé về phía ống dẫn sữa bị tắc để tạo điều kiện dẫn lưu tốt nhất.
Đặt một miếng vải thấm nước ấm lên vú để giảm đau.

Nếu các vấn đề vẫn tiếp diễn nên tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn về sữa mẹ.

5. Biến chứng của viêm vú

Viêm vú không được điều trị đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng:

Tái phát: Nếu đã bị viêm vú một lần, bạn có nhiều khả năng bị lại. Tái phát thường là do điều trị muộn hoặc không đầy đủ.

Áp xe: Nếu không được điều trị đúng cách, một ổ mủ, hay áp xe, có thể phát triển trong vú. Tình trạng này thường cần phải phẫu thuật dẫn lưu.

Nhiễm trùng huyết: Đây là những tình trạng đe dọa tính mạng có thể xảy ra nếu nhiễm trùng không được điều trị.

Vì vậy, khi bị đau, sốt, viêm và bất kỳ khó khăn dai dẳng nào trong việc cho con bú nên được thảo luận với bác sĩ.

NHS Đỗ Thanh Huyền - Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-vu-cam-nang-cho-me-va-nhung-ai-can-biet-169250426105550312.htm