'Viện dưỡng lão thanh niên': Nơi những người trẻ kiệt sức có thể 'nghỉ hưu' sớm
Trong suy nghĩ của nhiều người, viện dưỡng lão là nơi để người cao tuổi có những năm cuối đời an toàn, thoải mái và thuận tiện. Tuổi trẻ dường như không liên quan đến nơi này. Song, ở Trung Quốc, viện dưỡng lão đã trở thành nơi để những người trẻ kiệt sức có thể 'nghỉ hưu' sớm.
Bên cạnh các thành phố lớn, "viện dưỡng lão thanh niên" cũng có ở Đại Lý, Tây Song Bản Nạp, Trùng Khánh, Ninh Ba, Giang Môn và Hợp Phì.
"Viện dưỡng lão thanh niên" xuất hiện trong bối cảnh ngày càng nhiều người được truyền cảm hứng từ phong trào "FIRE" (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) lên kế hoạch nghỉ hưu ở độ tuổi 30 hoặc 40. Trên nền tảng mạng xã hội Douban của Trung Quốc, nhóm có tên "FIRE Lifetsyle" thu hút hơn 230.000 thành viên. Sự quan tâm đối với phong trào này cũng trùng hợp với xu hướng "tang ping" (nằm thẳng), nghĩa là không làm việc quá sức và chỉ ưu tiên những điều cần thiết cho cuộc sống.
Không có bác sĩ, y tá, đầu bếp hay dịch vụ chăm sóc, "viện dưỡng lão thanh niên" chủ yếu hướng đến sức khỏe tinh thần của khách hàng và thường có quán bar, quán cà phê, phòng karaoke để mọi người giao lưu và thư giãn. Thực chất, địa điểm này có thể được xem là một "trạm xăng", nơi những người trẻ tạm thời sống chậm lại và tiếp thêm năng lượng cho mình.
Dừng lại và sống chậm
Đầu năm nay, Tạ Cương, người làm về khai thác gỗ ở Tân Cương, phân vân có nên về nhà đón Tết hay không. Anh mở WeChat và thấy một "viện dưỡng lão thanh niên" ở Tây Song Bản Nạp. Ngay lập tức, Tạ Cương quyết định đến đó đón năm mới. Mặc dù cơ sở này vẫn chưa chính thức mở cửa kinh doanh nhưng đã có một số người trẻ đến sống. Đêm giao thừa, Tạ Cương và 3 thanh niên khác cùng nhau ăn tối tại "viện dưỡng lão". Sau bữa ăn, họ ngồi quanh đống lửa và trò chuyện về những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Tạ Cương nói về những khó khăn anh gặp phải trong công việc, những người khác kể lại trải nghiệm không suôn sẻ trong chuyện tình cảm hay mâu thuẫn của cuộc sống gia đình. Có người khuyên Tạ Cương không cần phải "xoắn", ngược lại anh cũng nhắc nhở họ đừng quá điên cuồng yêu đương.
Dù chỉ là một lời an ủi chân thành hay nhắc nhở tử tế, các bạn trẻ cũng phần nào trút đi nỗi chán nản trong lòng. Và tất nhiên, bên cạnh những điều không vui cũng có rất nhiều trải nghiệm đẹp. "Năm nay là năm đón Tết thú vị nhất tôi từng trải qua", Tạ Cương nói. Anh cho biết, từ khi đến "viện dưỡng lão thanh niên", anh đã để điện thoại di động ở trạng thái bận và "chặn" mọi cuộc gọi đến.
Một cuộc sống khác
Vincent, người đã mở một "viện dưỡng lão thanh niên" ở Giang Môn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), cho biết địa điểm ban đầu là một nhà kho cũ, sau này được chuyển thành quán cà phê rồi trở thành "Viện dưỡng lão Vạn Thị Ốc". Vincent thừa nhận nơi đây cơ bản vẫn là quán cà phê nhưng nó giúp mọi người giải tỏa phần nào căng thẳng tinh thần. Anh vừa là ông chủ vừa là nhân viên bán hàng.
Vạn Thị Ốc không nằm gần các khu thương mại hay nơi tập trung đông nhân viên văn phòng mà được xây ở nơi vắng vẻ với cách trang trí đơn giản, theo phong cách những năm 1970. Nhiều người trẻ gọi một tách cà phê ở quán và ngồi đó cả buổi chiều, chỉ để ngắm nhìn bầu trời và tắm nắng. Nơi đây không có người đi giày da hay mặc quần áo công sở, cũng không có người làm việc trên máy tính. Mọi người đến đây không phải để nói về kinh doanh, khởi nghiệp hay hợp tác mà là về cuộc sống, tình cảm và lý tưởng.
Năm 2023, sau thời gian theo đuổi lối sống du mục, Lu đến Tây Song Bản Nạp thuê một căn nhà và mở "Viện dưỡng lão thanh niên Vấn Sào". Lu giải thích, sở dĩ anh đặt tên là "Vấn Sào" vì "Vấn" có nghĩa là học hỏi, giao tiếp và khám phá các vấn đề, còn "Sào" là nơi ở. "Chúng tôi mong các bạn trẻ có thể đến đây và giải quyết các vấn đề của họ thông qua giao tiếp", cô nói. "Viện dưỡng lão thanh niên Vấn Sào" có nội thất đơn giản với giường, bàn, tủ. Đặc biệt, nơi đây không có ti-vi. "Đó là vì chúng tôi không muốn những người trẻ ở trong nhà mà muốn mọi người giao tiếp, học hỏi nhiều hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên và có được sức mạnh từ những điều đó", chủ của Vấn Sào nói.
Hiện tại, những người muốn ở lại cơ sở phải trả phí ăn ở hằng tháng là 1.500 nhân dân tệ, các chi phí khác họ tự chi trả. Vấn Sào cung cấp nhiều hoạt động xã hội như làm ruộng, chăn nuôi, xem phim và trò chuyện bên bếp lửa. Khách hàng của Lu chủ yếu là thanh niên trên 25 hoặc 26 tuổi, trong đó phần lớn là thế hệ sinh sau năm 1990. Vì vậy, những người đến đây "nghỉ hưu" sẽ không có con cái đi thăm mà ngược lại, họ phải trốn cha mẹ để "nghỉ hưu".
"Reset" bản thân
Tạ Cương biết mình không thể mãi sống ở viện dưỡng lão. Sau rằm tháng Giêng, anh rời đi và trở lại với công việc. "Suy cho cùng, cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi vẫn chưa đến lúc thực sự cần dưỡng già", thanh niên họ Tạ nói.
Hầu hết người tại những viện dưỡng lão trên là người ở độ tuổi 20 và 30, họ thường không có kế hoạch sống hàng chục năm trong các cơ sở này. Đối với một số người, khái niệm "nghỉ hưu" chỉ là rút lui tạm thời và họ coi thời gian sống tại nơi đây là một quãng nghỉ trên con đường sự nghiệp của mình. "Một số người thắc mắc tại sao những người trẻ này lại "nghỉ hưu" sớm như vậy, đó là vì nhiều người ở tuổi 30 đang cảm thấy lạc lõng. Tôi cũng từng như vậy", người chủ 32 tuổi của một viện dưỡng lão ở tỉnh Vân Nam, cho biết.
Về phần Lu, từ khi tấm biển "viện dưỡng lão thanh niên" được treo lên, ngôi nhà nhỏ của cô đã bị 3 người ở 3 độ tuổi khác nhau đánh giá. Người già cho rằng, người sống ở đây không có chí tiến thủ, người trung niên cho rằng người sống ở đây không làm ăn đàng hoàng, còn người trẻ cho rằng "viện dưỡng lão thanh niên" chỉ là chiêu trò để thu hút sự chú ý.
"Trong cuộc sống, mỗi người đều có một dòng thời gian khác nhau. Không phải ai cũng kết hôn ở tuổi 25, mua nhà ở tuổi 28 hoặc sinh con ở tuổi 30. Điều quan trọng là hãy sống cuộc sống tuyệt vời của riêng mình. Có nhiều điều xảy ra muộn hơn hoặc chậm hơn một chút cũng không sao. Sẽ không ai thực sự lựa chọn ở lại "viện dưỡng lão thanh niên" cả đời và chúng ta cũng không muốn có những người trẻ như vậy", Lu giải thích.
Nguồn: SCMP, Sohu