Viện Karolinska: Nguy cơ đột quỵ có thể bị 'lây' qua truyền máu
Nghiên cứu lớn từ Thụy Điển, Đan Mạch và Bỉ cho thấy một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết não - dạng đột quỵ cực kỳ nguy hiểm - có thể được truyền từ người này sang người khác.
Theo Medical Xpress, cuộc nghiên cứu dẫn đầu bởi Viện Karolinska (Thụy Điển) nhận thấy nếu một người hiến máu gặp tình trạng xuất huyết não tái phát thì người nhận máu cũng tăng gấp đôi nguy cơ xuất huyết não.
Xuất huyết não là một dạng đột quỵ ít phổ biến hơn nhồi máu não, nhưng nguy hiểm hơn.
Các giả đã tìm hiểu vấn đề thông qua bộ dữ liệu truyền máu Thụy Điển - Đan Mạch SCANDAT, được thu thập từ năm 1970 đến nay.
Những phát hiện này gợi ý một số yếu tố có thể gây ra xuất huyết não dường như lây lan qua truyền máu, dù số bệnh nhân bị ảnh hưởng rất ít vì bản thân đột quỵ do xuất huyết não là hiếm gặp.
Trong đó, yếu tố được chú ý nhất là bệnh mạch máu não amyloid angiopathy (CAA), trong đó protein tích tụ dọc theo các mạch máu nhỏ của não. Một số nghiên cứu từng nghi ngại CAA có thể bị "lây" thông qua một số quy trình y tế, bao gồm phẫu thuật thần kinh.
Theo các tác giả, vì rủi ro xuất huyết não là hiếm gặp nên bạn không cần quá lo lắng khi truyền máu. Các thống kê từ bộ dữ liệu khổng lồ của Đan Mạch - Thụy Điển cho thấy trong hàng thập kỷ đó, chỉ 0,1% người hiến máu bị xuất huyết não, nên số người bị "lây" cũng rất ít.
Ngày nay, các cơ sở tiếp nhận máu hiếm đều sàng lọc người hiến máu kỹ càng, từ chối những trường hợp có vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của quy trình cho máu cũng như chất lượng máu hiến.
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí JAMA này chủ yếu quan trọng đối với các nhà nghiên cứu y khoa, vì khả năng CAA có thể lan truyền giữa các cá nhân có thể gây hậu quả trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu.
Các tác giả cũng đang tiến hành tìm hiểu thêm cơ chế dẫn đến điều này bằng cách kiểm tra nhiều mẫu máu hơn nữa, bằng nhiều phương pháp, nhằm góp phần "vén màn" bức tranh còn nhiều bí ẩn về loại đột quỵ tử thần này.