Viện Khoa học Công nghệ mỏ tập trung nghiên cứu cải thiện môi trường làm việc công nhân mỏ
Thực hiện đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, trong giai đoạn 2011-2015, Viện Khoa học Công nghệ mỏ - Vinacomin đã đề xuất và được giao thực hiện 18 đề tài, dự án.
Các nội dung nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ mỏ - Vinacomin thuộc 5 lĩnh vực chính: Công nghệ khai thác hầm lò; Công nghệ khai thác lộ thiên; Công nghệ sàng tuyển, chế biến than-khoáng sản; Chế tạo, nội địa hóa sản phẩm cơ khí-điện tử và Công nghệ an toàn mỏ.
Các đề tài với các nội dung nghiên cứu phong phú đã đóng góp đáng kể trong công tác khoa học công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu đến năm 2015 Công nghệ khai thác hầm lò
Các đề tài đã tập trung vào hướng nghiên cứu nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa quá trình sản xuất. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật, nâng cao sản lượng, năng suất và mức độ an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân trong các mỏ hầm lò.
Công nghệ khai thác lộ thiên
Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, các đề tài nghiên cứu đã giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ trong khai thác và tổ chức quản lý nhằm tập trung hóa, từng bước hiện đại hóa các công đoạn sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả, mức độ an toàn, môi trường cho các mỏ than, khoáng sản như:
- Đưa vào sử dụng đồng bộ thiết bị khai thác hiện đại có công suất lớn
- Áp dụng hệ thống khai thác với góc dốc bờ công tác lớn từ 180÷220 ở hầu hết các mỏ than lộ thiên nhằm giảm hệ số bóc, nhờ đó tăng chiều sâu khai thác .
- Công nghệ khoan nổ mìn, xúc bốc tầng cao đến 25 m.
- Công nghệ bóc đất đá bằng máy cày xới tại các khu vực gần khu dân cư.
- Áp dụng công nghệ đổ thải kết hợp với hoàn thổ phục hồi môi trường cho các mỏ thiếc, mỏ quặng bauxit.
Công nghệ sàng tuyển, chế biến than, khoáng sản
Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin đã phối hợp với các nhà máy tuyển và các mỏ than vùng Quảng Ninh triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình như hệ thống xử lý bùn nước Nhà máy tuyển than - Vàng Danh, hệ thống sàng tuyển than Công ty Than Quang Hanh, dây chuyền tuyển than cục trong than don xô Công ty Than Uông Bí, dây chuyền tuyển nâng cao chất lượng than bằng công nghệ huyền phù tự sinh tại mỏ than Khe Chuối, dây chuyền tuyển than cục tại xưởng sàng +130- Công ty Than Nam Mẫu... Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong sàng tuyển, chế biến thanh đã góp phần nâng cao năng lực sàng tuyển than cho các mỏ than, đưa cơ giới hóa thay thế cho thủ công, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tận thu tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nội địa hóa sản phẩm cơ khí, điện tử - tự động hóa
Các đề tài do Viện thực hiện đã tập trung vào việc hoàn thành thiết kế và chế tạo giàn chống tự hành phục vụ khai thác than hầm lò và nội địa hóa một số sản phẩm điện tử phục vụ công tác an toàn như một số loại xi lanh thủy lực đường kính lớn, giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng và một số loại đầu đo khí nhằm thay thế thiết bị nhập khẩu. Sản phẩm nghiên cứu, chế tạo của các đề tài hiện đang được sử dụng trong thực tế thay thế hàng nhập khẩu.
An toàn mỏ
Trong lĩnh vực an toàn mỏ, kết quả nghiên cứu của các đề tài đã góp phần phát triển, nâng cao trình độ công nghệ trong quản lý an toàn trong khai thác than - khoáng sản tại Việt Nam, phòng ngừa các vụ tai nạn cháy nổ khí mê tan và là cơ sở quan trọng trong công tác thiết kế mỏ, đặc biệt là trong xu thế khai thác xuống sâu như hiện nay.
Một số định hướng nghiên cứu cho giai đoạn đến năm 2025 Về Công nghệ khai thác hầm lò
Tiếp tục nghiên cứu công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ Việt Nam;
Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp nhằm huy động tối đa trữ lượng tài nguyên than nằm dưới các công trình, đối tượng cần bảo vệ trên bề mặt;
Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ và quản lý nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất;
Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác than Đồng bằng Sông Hồng;
Nghiên cứu công nghệ khai thác giảm tổn thất tài nguyên.
Về Công nghệ khai thác lộ thiên
Tiếp tục nghiên cứu đồng bộ thiết bị mỏ lộ thiên;
Nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị khai thác tại các mỏ lộ thiên sâu;
Nghiên cứu công nghệ đào sâu vét bùn phù hợp điều kiện đáy mỏ chật hẹp sau mỗi mùa mưa cho các mỏ than lộ thiên sâu vùng Quảng Ninh;
Hoàn thiện công nghệ vận tải liên hợp ô tô – băng tải cho các mỏ lộ thiên sâu Việt Nam;
Nghiên cứu công nghệ khai thác trung hòa quặng đáp ứng đầu vào nhà máy tuyển và giảm chi phí sản xuất;
Nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp khi khai thác các tầng sâu ở các mỏ than lộ thiên Việt Nam;
Nghiên cứu công nghệ khai thác nâng cao bờ tầng;
Nghiên cứu giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.
Về Công nghệ sàng tuyển, chế biến than
Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tuyển than hợp lý;
Nghiên cứu nâng cao mức độ tự động hóa dây chuyền tuyển than nhằm tăng năng suất, giảm giá thành;
Nghiên cứu lựa chọn công nghệ sấy than bùn cho các dây chuyền sàng tuyển than;
Nghiên cứu công nghệ tuyển huyền phù 3 sản phẩm;
Nghiên cứu công nghệ tuyển than sử dụng tia X.
Về Chế tạo thiết bị cơ khí, điện tử - tự động hóa
Thiết kế, chế tạo các loại giá chống, giàn chống phù hợp điều kiện cụ thể của mỏ than hầm lò Việt Nam;
Nội địa hóa một số loại thiết bị thường xuyên phải thay thế trong khai thác, chế biến than, khoáng sản;
Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều độ tập trung nhằm hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý cho các mỏ khai thác than lộ thiên;
Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa điều khiển sản xuất cho các mỏ khai thác than hầm lò;
Từng bước nội địa hóa hệ thống điều độ tập trung hướng tới các công nghệ của công nghiệp 4.0.
Trong khai thác và chế biến khoáng sản
Nghiên cứu các giải pháp thăm dò, đặc biệt đối với các khoáng sản đồng, sắt ẩn sâu trong lòng đất;
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác đối với các mỏ quặng đồng, sắt và quặng bauxit;
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, tăng thực thu kim loại đối với các nhà máy chế biến khoáng sản; giải pháp khai thác - tuyển quặng hợp lý cho mỏ titan trong tầng cát đỏ;
Áp dụng thải khô bùn đỏ nhằm tăng dung tích hồ chứa, giảm ô nhiễm môi trường cho các nhà máy alumin;
Nghiên cứu áp dụng các giải pháp tin học hóa - tự động hóa đối với các mỏ, nhà máy chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất;
Xây dựng, hoàn thiện định mức các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đối với các lĩnh vực mới như: alumin, nhiệt điện, titan;
Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển các loại khoáng sản đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.