Viện Kiểm sát nêu quan điểm về việc mua bán Dự án Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí
Cáo trạng xác định, Nguyễn Cao Trí phải 'chạy thủ tục' mua để bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng cho DN khác.
Như ANTĐ thông tin, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy 10 bị can trong vụ án Sài Gòn – Đại Ninh. Trong đó, bị can Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - VPCP) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 6 bị can khác bị xác định phạm tội “Nhận hối lộ”.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty Sài gòn Đại Ninh) tác động hàng loạt cán bộ tại VPCP, Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND tỉnh Lâm Đồng để “bẻ lái” kết luận thanh tra, từ thu hồi dự án Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng thành gia hạn, cho tiếp tục thực hiện.
Cụ thể, dự án Đại Ninh thuộc Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch nhưng bị TTCP ra kết luận số 929, kiến nghị thu hồi. Doanh nghiệp này do vậy gửi nhiều đơn thư đề nghị xem xét lại.
Quá trình gửi đơn kiến nghị tới VPCP, Nguyễn Cao Trí thống nhất sẽ mua lại Công ty SGĐN, làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí. Bà Hoa khai đồng ý việc này vì thấy Trí có quan hệ với nhiều lãnh đạo, cơ quan nhà nước nên có thể giúp dự án không bị thu hồi.
Sau khi thống nhất với bà Hoa, “đại gia” Nguyễn Cao Trí đưa tiền cho các bị can tại VPCP, TTCP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện các hành vi sai phạm.
Từ đó, kết luận số 929 bị thay đổi bằng kết luận số 1033 ngày 30-6-2021 và dự án Đại Ninh từ “chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án” thành “không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện dự án”. Việc này trái các quy định của pháp luật.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trước khi Nguyễn Cao Trí đầu tư vào dự án Đại Ninh, từ năm 2019 - 2020, một số lãnh đạo Novaland đã gặp, đàm phán với bà Phan Thị Hoa về nhận chuyển nhượng Dự án Đại Ninh, rồi báo cáo lãnh đạo Tập đoàn xem xét.
Do phương án tài chính không đảm bảo nên việc này tạm dừng, chờ thời điểm đầu tư phù hợp sau.
Tháng 7-2020, khi dự án đã bị TTCP kiến nghị thu hồi, lãnh đạo Novaland có đơn kiến nghị xin phục hồi dự án và tiếp tục chờ đợi để đàm phán mua lại, khi dự án được phục hồi. Tháng 12-2020, bà Hoa hẹn gặp đại diện Novaland cùng Nguyễn Cao Trí và thông báo đã bán dự án cho bị can Trí.
Bà Hoa cho hay, nếu Novaland muốn mua lại dự án, cần làm việc với Nguyễn Cao Trí. Tuy nhiên, do lúc này dự án vẫn đang bị kiến nghị thu hồi nên lãnh đạo Novaland cho biết sẽ chờ dự án được gia hạn, phục hồi mới đàm phán chuyển nhượng tiếp.
Năm 2022, Công ty Lavender của Nguyễn Cao Trí và Tập đoàn Novaland ký Thỏa thuận bảo mật thông tin về việc mua bán dự án. Sau đó, Công ty Lavender và Công ty Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland) ký Hợp đồng Thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng là Công ty Lavender và các cổ đông chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty SGĐN cho Công ty Thiên Vương với tổng giá trị giao dịch 27.600 tỷ đồng theo 5 đợt thanh toán.
Tháng 10-2022, Công ty Thiên Vương mới thanh toán 2.700 tỷ đồng và không tiếp tục thanh toán theo thỏa thuận. Sau khi nhận 2.700 tỷ đồng, Nguyễn Cao Trí sử dụng 700 tỷ đồng để thanh toán cho bà Hoa và 2.000 tỷ để trả nợ số tiền vay để trả trước cho bà Hoa và cho các hoạt động kinh doanh của Trí.
Quá trình điều tra, Phan Thị Hoa đã tự nguyện giao nộp 9 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo trình bày của bà Hoa có trị giá khoảng 1.700 tỷ đồng), tương đương với số tiền 1.700 tỷ đồng mà nữ “đại gia” này đã nhận từ Nguyễn Cao Trí thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dự án.
Với Novaland, cáo trạng cho rằng, tập đoàn này biết rõ việc bà Phan Thị Hoa và Nguyễn Cao Trí ký Hợp đồng chuyển nhượng dự án là trái quy định do thời điểm đó, Dự án Đại Ninh đang bị TTCP kiến nghị thu hồi.
Đồng thời, Tập đoàn Novaland biết Nguyễn Cao Trí sẽ phải thực hiện các hành vi “chạy thủ tục” để được điều chỉnh kết luận thanh tra từ thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án thành cho gia hạn, giãn tiến độ. Tuy nhiên, Novaland vẫn ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần là không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Đối với số tiền 2.700 tỷ đồng Trí nhận của Novaland là số tiền Trí hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí và các bị can liên quan, trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định của pháp luật.
Từ đo, Viện KSND Tối cao có quan điểm, cần tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiềsn 2.700 tỷ đồng nói trên. Tranh chấp giữa Nguyễn Cao Trí và Tập đoàn Novaland sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.