Viện kiểm sát: Người vợ cắt 'của quý' chồng là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Viện kiểm sát cho rằng nữ bị cáo dùng dao cắt bộ phận sinh dục của chồng trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, không tự chủ, không kiềm chế được hành vi.
Như PLO đã đưa tin, TAND huyện Yên Châu (Sơn La) mới đây mở phiên tòa xét xử bị cáo Hà Thị Nguyệt (36 tuổi) vì có hành vi cắt đứt bộ phận sinh dục của chồng. Nguyên nhân: chồng Nguyệt nhiều lần cưỡng dâm con riêng của Nguyệt, bị cáo uất ức nên thực hiện hành vi phạm tội.
Vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi nguyên nhân phạm tội mà còn vì tòa án và viện kiểm sát có quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh của bị cáo.
Tại tòa, đại diện VKS đề nghị xử phạt Nguyệt từ 24 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo điểm b khoản 2 điều 135 BLHS. Kiểm sát viên nhận định hành vi trái pháp luật của bị hại là nguyên nhân dẫn tới sự uất ức, kích động phạm tội của bị cáo.
Tuy nhiên, trái ngược quan điểm, HĐXX lại cho rằng không có căn cứ chứng minh bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích, theo điểm d khoản 4 điều 134 BLHS, khung hình phạt từ bảy đến 14 năm tù. Do đó, tòa quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bị cáo về tội cố ý gây thương tích.
Cũng liên quan vụ án này, hồi tháng 8-2022, TAND huyện Yên Châu từng trả hồ sơ với lý do tương tự. VKSND huyện Yên Châu sau đó vẫn giữ quan điểm, tiếp tục truy tố bị cáo Nguyệt về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, như đã nêu.
Vậy, VKSND huyện Yên Châu đã căn cứ vào những tình tiết nào để quyết định truy tố bị cáo Nguyệt tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thay vì tội cố ý gây thương tích?
Theo VKS, năm 2007, sau khi kết hôn, Nguyệt sinh bé gái tên HTRL. Đến năm 2008, vợ chồng Nguyệt ly dị, con gái ở với bị cáo.
Năm 2018, Nguyệt kết hôn với Nguyễn Văn Hoan (29 tuổi), sinh thêm được hai người con. Quá trình chung sống, Hoan thường xuyên đánh đập vợ con.
Do nhiều lần bị mất tiền, ngày 19-3-2022, Nguyệt mua camera về lắp ở khu vực đầu giường của hai vợ chồng để theo dõi ai là thủ phạm. Khoảng 14 giờ cùng ngày, Nguyệt lấy thẻ nhớ trong camera ra xem thì phát hiện Hoan có hành vi quan hệ tình dục với con gái của Nguyệt là cháu HTRL.
Nguyệt hỏi con gái thì được biết khoảng tháng 8-2020, Hoan tạo một tài khoản Facebook để tán tỉnh cháu L. Do không biết đây là cha dượng của mình, L gửi một số hình ảnh nhạy cảm của bản thân cho đối phương.
Có được các hình ảnh nhạy cảm, Hoan yêu cầu L cho mình quan hệ tình dục, nếu không sẽ công khai các hình ảnh này. Lo sợ, L đồng ý. Từ tháng 8-2020 đến ngày 19-3-2022, Hoan đã quan hệ với L rất nhiều lần.
Vẫn theo VKS, khi phát hiện sự việc (thời điểm xem camera lúc 14 giờ), Nguyệt rất phẫn nộ nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh vì nghĩ rằng nếu chửi bới hoặc gây thương tích cho Hoan thì sẽ bất lợi cho Nguyệt và con gái.
Lúc này, cháu L bị dị ứng, Nguyệt đưa cháu lên Bệnh viện đa khoa huyện Yên Châu khám và có ý định đi trình báo công an. Khi đi, Nguyệt cầm theo chiếc thẻ nhớ camera có chứa đoạn video Hoan quan hệ tình dục với cháu L.
Tại bệnh viện, được con gái kể về việc bị Hoan cưỡng dâm nhiều lần, Nguyệt ngồi khóc vì thương con. Bị cáo quyết định chở con gái lên Công an huyện Yên Châu để trình báo sự việc.
Đến giữa đường, Nguyệt gặp một người bạn, người này rủ vợ chồng Nguyệt đi ăn cơm. Nguyệt thấy đang là cuối tuần nên công an không làm việc, lại nghĩ đến tình cảm vợ chồng bao năm nay, nên quyết định chưa tố giác ngay.
Nguyệt quay trở về nhà, rủ Hoan đi ăn theo lời mời của bạn. Trong lúc ăn cơm, Nguyệt uống 5-6 chén rượu, thái độ buồn, không nói chuyện với mọi người như bình thường.
Khuya cùng ngày, Nguyệt chở Hoan về nhà nghỉ ngơi, mỗi người ngủ một giường. Nguyệt nằm nhưng luôn trằn trọc suy nghĩ về sự việc của con gái bị Hoan cưỡng ép nhiều lần trong suốt thời gian dài mà bản thân không hề hay biết, nên thấy uất ức. Cộng với việc trước đó Hoan từng nhiều lần đánh đập hai mẹ con, Nguyệt càng thương con gái bao năm qua phải chịu đau đớn, tủi nhục…
Khoảng 23 giờ 45, Nguyệt đi vệ sinh, thấy Hoan ngủ say, không mặc quần áo, để lộ ra bộ phận sinh dục. Sự dồn nén của Nguyệt dâng lên, bị cáo nghĩ vì “cái đó” mà làm khổ con gái. Quá uất ức và không kiềm chế được, Nguyệt xuống bếp lấy một con dao, cắt đứt bộ phận sinh dục của chồng.
Tiếp đó, Nguyệt mang con dao cùng bộ phận sinh dục của Hoan đi vứt. Bị cáo đưa con gái cùng chiếc camera và thẻ nhớ bên trong đến Công an huyện Yên Châu để tự thú về hành vi của bản thân, đồng thời tố giác hành vi của Hoan. Kết luận giám định cho thấy Hoan bị tổn hại sức khỏe 72%.
VKS cho rằng cần xem xét toàn diện hành vi phạm tội của Nguyệt và hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bị hại là Hoan. Chính hành vi này của Hoan là nguyên nhân dẫn tới sự uất ức, kích động với bị cáo. Đây được xem là một dạng biến biến tâm lý của Nguyệt khi nhìn thấy Hoan không mặc quần áo, làm gợi nhớ đến hành vi xâm hại con gái mình.
Nguyệt trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, không tự chủ, không kiềm chế được hành vi nên dùng dao cắt đứt bộ phận sinh dục của Hoan. Do đó, hành vi của bị cáo cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo điểm b, khoản 2 điều 135 BLHS.
Như thế nào là “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”?
Trong vụ án này, để xác định hành vi của bị cáo có phải là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không thì cần thống nhất khái niệm “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Về vấn đề này, trước đây tại Nghị quyết 04 ngày 29-11-1986 của TAND Tối cao đã có hướng dẫn như sau: “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.
Như vậy, dấu hiệu đặc trưng của trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình, phản ứng tức thời đối với hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
Ở đây, đối với hành vi của Nguyệt khi gây thương tích cho chồng: (i) Không phản ứng ngay tức khắc khi biết tin con gái bị xâm hại. (ii) Từ lúc biết về hành vi trái pháp luật của Hoan với con gái đến lúc Nguyệt thực hiện hành vi phạm tội thì đã trải qua một thời gian dài và trong thời gian đó Nguyệt đã có một hành vi như: Dự định đến sáng hôm sau sẽ đến công an tố giác, tổ chức một bữa cơm và cùng Hoan đi ăn, đi về nhà và đến khuya mới thực hiện hành vi phạm tội.
Các tình tiết nêu trên cho thấy Nguyệt không hoàn toàn bị kích động mạnh khi thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, cáo trạng của VKS truy tố Nguyệt theo Điều 135 BLHS là chưa chính xác. Mà hành vi của Nguyệt có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) - là tội có mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM