Viện kiểm sát tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can
Trong 9 tháng năm 2024, VKSND huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh đối với 6 vụ, 17 bị can, đây là bước quan trọng phục vụ cho việc số hóa hồ sơ vụ án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.
Theo đó, ngay từ đầu năm lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án có tính chất phức tạp, nhiều bị can, có lời khai mâu thuẫn, không thành khẩn, gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt trong quá trình truy tố.
Việc xây dựng kế hoạch hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh, trình lãnh đạo đơn vị duyệt nội dung nhằm củng cố tài liệu, chứng cứ trước khi ban hành cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử theo quy định của pháp luật. Các thiết bị ghi âm, ghi hình, bàn ghế, ánh sáng, thiết bị lưu trữ được chuẩn bị đầy đủ, bố trí đúng quy định.
Điển hình như vụ án Nguyễn Văn Dũng bắt giữ người trái pháp luật: Do có quan hệ quen biết với Nguyễn Văn Dũng (tên gọi khác: Dũng Bưu, SN 1988, trú tại thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) và được Dũng kể về việc anh Vũ Văn Giản (SN 1990, trú tại thôn 1 Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) có nợ tiền của Dũng nhưng chưa trả. Vì vậy, khoảng 20h00’ ngày 2/4/2024, các đối tượng: Trần Minh Hiếu (SN 2002), Nguyễn Văn Thoại (SN 1992), Nguyễn Văn Việt (SN 2002) và Nguyễn Văn Thường (SN 2003) cùng trú tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc đã bắt, giữ anh Vũ Văn Giản trong thời gian khoảng 20 phút.
Quá trình điều tra, các bị can khai báo quanh co, nhiều lời khai mâu thuẫn, bị can Nguyễn Văn Thường không nhận tội. Để củng cố tài liệu trước khi ban hành Cáo trạng truy tố, Kiểm sát viên đã xây dựng kế hoạch trình Lãnh đạo đơn vị duyệt nội dung tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh để đảm bảo hồ sơ được đầy đủ, chặt chẽ.
Việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình bằng âm thanh đã được Kiểm sát viên được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 183, Điều 184 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, bị can được giải thích và đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 60 BLTTHS; Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 1/2/2018 của liên ngành Trung ương “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”; Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng tối cao về ban hành quy chế tạm thời "Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố".
Việc tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp Kiểm sát viên củng cố lại những tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà Cơ quan điều tra đã thu thập được để việc ban hành Cáo trạng đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội tránh tình trạng tại phiên tòa các bị cáo thay đổi lời khai gây khó khăn trong việc tranh luận, buộc tội và quyết định giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử.
Trong thời gian tới, VKSND huyện Hậu Lộc sẽ tiếp tục thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa./.