Viện Lowy: 'Ngoại giao im lặng' của ASEAN phát huy tác dụng ở Myanmar

Một bài viết được đăng tải bởi Viện Nghiên cứu Lowy (Australia) mới đây nhận định, tình hình bất ổn ở Myanmar lúc này đang cho thấy cách thức 'ngoại giao im lặng' của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phát huy tác dụng, bất kể một số lời chỉ trích cho rằng khối đã không làm đủ để răn đe chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính hôm 1/2.

Những áp lực cưỡng chế của phương Tây đối với các tướng lĩnh quân đội Myanmar, bao gồm các lệnh trừng phạt, đã được chứng minh là "vô nghĩa" - theo lời của chính đặc phái viên Liên Hợp quốc Christine Schraner Burgener nói trong một báo cáo mới đây.

Thực tế, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing - người đứng sau biến cố chính trị hôm 1/2 - không còn lạ lẫm trước những lời đe dọa từ cộng đồng quốc tế. Mỹ đã trừng phạt ông 2 lần, vào năm 2019 và năm 2020, trong khi Vương quốc Anh cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người này. Trong bối cảnh đó, sức ảnh hưởng của khối ASEAN được cho đang là bức tranh vĩ mô hơn, với mục tiêu nhằm tạo thế thống nhất trước sức ép từ bên ngoài.

Viện Lowy đăng tải bài viết của nhà phân tích cấp cao Hui Ying Lee mô tả, điển hình trong cách ngoại giao của ASEAN chính là nguyên tắc "im lặng" - không can thiệp về công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, hướng đến không khí thoải mái để giảm bớt bất kỳ căng thẳng tiềm ẩn nào.

"Trong quá trình này, "ngoại giao im lặng" tạo điều kiện thuận lợi cho sự sẵn sàng tham gia và mang tính xây dựng", chuyên gia Hui Ying Lee tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, viết, lập luận rằng trong bối cảnh tình hình nội bộ căng thẳng của Myanmar, điều quan trọng là phải tránh bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình, có thể dẫn đến khả năng đổ máu nhiều hơn.

Một cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã được tổ chức vào ngày 2/3. Cuộc họp này nhấn mạnh ưu tiên ngăn chặn bạo lực và sử dụng vũ lực gây chết người, cũng như việc trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch ASEAN Brunei cũng phản ánh sự kiên định của khối về một lập trường thống nhất hỗ trợ Myanmar giải quyết các vấn đề của nội bộ quốc gia này. Tuy nhiên, khác biệt lần này là cách các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã lên tiếng nhiều hơn trong việc thúc giục quân đội Myanmar - thường được gọi là Tatmadaw - ngừng sử dụng vũ lực sát thương.

Với chính sách "ngoại giao im lặng" thông thường của ASEAN, các nhà lãnh đạo Tatmadaw có thể được khuyến khích tham gia vào nỗ lực của khu vực. Trên thực tế, Myanmar từng cho phép ASEAN giải quyết các vấn đề nội bộ trong quá khứ, chẳng hạn như sau cơn bão Nargis năm 2008. Quốc gia này cũng đã tham gia với ASEAN để hỗ trợ việc hồi hương theo kế hoạch của những người tị nạn Rohingya.

Rõ ràng, Myanmar đang cần sự giúp đỡ hơn là cô lập. Chính biến không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong nước mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định, hòa bình của khu vực, đặc biệt là giữa bối cảnh gấp rút của quá trình triển khai vaccine ngăn ngừa đại dịch Covid-19.

"Trong bối cảnh này, ASEAN được coi là một diễn đàn cho các giải pháp tiềm năng, thay vì là trở ngại", bài viết đăng tải bởi Viện Nghiên cứu Lowy kết luận.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vien-lowy-ngoai-giao-im-lang-cua-asean-phat-huy-tac-dung-o-myanmar-413636.html