Viện Nghiên cứu cơ khí: Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng
Không chỉ phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp Việt Nam,thời gian qua Narime đã có bước tiến mới trong hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ lưỡng dụng.
Phát triển công nghệ lưỡng dụng: Xu hướng chung của thế giới
Công nghệ lưỡng dụng được ứng dụng nhiều trong phát triển công nghiệp, nhất là đối với công nghiệp quốc phòng.Trong chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng, các quốc gia trên thế giới thường có xu hướng ưu tiên dành những thành tựu khoa học, công nghệ mới nhất và đỉnh cao của mình để ứng dụng trước hết vào sản xuất quân sự. Đây cũng là những tiềm năng to lớn có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nếu ngay từ khâu nghiên cứu, phát triển đã trù tính đến các yêu cầu về tính lưỡng dụng.
Thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” (Dual-use technology) theo cách hiểu phổ cập trên thế giới bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Nếu như công nghệ chế tạo vũ khí, đạn bộ binh có tính chuyên biệt cao nên rất khó kết hợp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng dân sự trên cùng một dây chuyền sản xuất, thì ngược lại, các chủng loại trang thiết bị của các quân chủng, binh chủng, như: xe quân sự, ra đa, tàu chiến, máy bay,... lại có thể áp dụng công nghệ lưỡng dụng; hoặc có nhiều điểm tương đồng, lưỡng dụng trong công nghệ thiết kế tên lửa đạn đạo vượt đại châu và tên lửa đẩy phục vụ phóng vệ tinh vũ trụ phục vụ các mục đích dân sự, v.v.
Trong chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng, các quốc gia trên thế giới thường có xu hướng ưu tiên dành những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất và đỉnh cao của mình để ứng dụng trước hết vào sản xuất quân sự. Đây cũng là những tiềm năng to lớn có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nếu ngay từ khâu nghiên cứu, phát triển đã trù tính đến các yêu cầu về tính lưỡng dụng. Chính vì vậy, trong pháp luật về công nghiệp quốc phòng của nhiều nước thường có các quy định cụ thể về thời hiệu giải mật các thành tựu công nghệ quân sự để sử dụng cho các mục tiêu thương mại dân sự.
Theo TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime), Bộ Công Thương: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, vai trò của công nghệ lưỡng dụng càng trở nên cấp bách hơn trước những yêu cầu mới về nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của công nghiệp quốc phòng nước ta thời gian tới.
Việc tiếp cận, làm chủ thiết kế công nghệ chế tạo các chủng loại vũ khí CNC đòi hỏi phải mở rộng phân công chuyên môn hóa sâu rộng hơn trên phạm vi trong nước cũng như quốc tế. Đi kèm với quá trình thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu này, phải tạo ra được những chuyển dịch cơ bản về cơ cấu tiềm lực công nghệ quân sự theo hướng tăng dần tỷ trọng CNC, công nghệ lưỡng dụng.
"Đặc biệt, trong cấu hình của các loại vũ khí CNC, “hàm lượng” công nghệ lưỡng dụng thường được ứng dụng phổ biến nhất trong quá trình gia công, chế tạo các cụm khối, chi tiết, vật tư, bán thành phẩm, v.v. Vì thế, đây có thể là một trong những hướng ưu tiên trong quá trình “nội địa hóa” năng lực sản xuất vũ khí khi tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của nước ngoài"- TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp đề xuất 5 chính sách nổi bật, đó là: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức; Thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ phát triển; Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp.
Hiện thực hóa Nghị quyết số 08
Triển khai Nghị quyết số 08, thời gian qua Viện Nghiên cứu cơ khí đã có một số hoạt động hợp tác với các đơn vị quốc phòng trong các hoạt động như: Đào tạo tiến sĩ ngành kỹ thuật cơ khí; tham gia các hội đồng khoa học công nghệ; nghiên cứu thiết kế chế tạo và điều khiển gối điện từ tích cực hỗ trợ giảm dao động…
Đặc biệt, Viện đã hợp tác thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ một số hạng mục công trình phục vụ cho sửa chữa tàu mặt nước và tầu ngầm với Bộ tư lệnh hải quân. Đơn cử như cung cấp khí nén cao áp 40 Mpa cho tàu, trạm thử bơm nước bơm dầu, sàn công nghệ, hệ thống cung cấp phôi tự động...;
Cũng theo TS. Phan Đăng Phong, để cụ thể hóa Nghị quyết 08, Narime cũng đã ký Bản thỏa thuận hợp tác với Viện Thiết kế tàu quân sự về thiết kế, chế tạo các hệ thống cơ khí, thủy lực, tự động hóa trên tàu quân sự với các nội dung như: Tự động hóa phần mũi tàu và hầm hàng; kết cấu thân vỏ tàu; hệ thống cẩu, chân vịt tàu; tời, máy lái; tính toán động lực học xe lội nước chở quân; đào tạo nhân lực; xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật...
Trong hoạt động gia công sản phẩm cơ khí trên các thiết bị chuyên dụng, Narime đã thực hiện gia công các bánh răng cỡ lớn và hoặc các bánh răng cần mài; gia công các lỗ khoan sâu; chế tạo bi cho các máy nghiền bi; chế tạo các lô máy ép nhà máy đường mía,…;
Ngoài ra Narime cũng đã tiến hành trao đổi thông tin về thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ quốc phòng với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Trong chương trình hợp tác giữa với Bộ Quốc phòng, Narme đóng vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, chế tạo các hệ thống, bộ phận lưỡng dụng trong các trang thiết bị quốc phòng. Trong khi đó, các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng thiết kế, chế tạo các bộ phận chuyên dụng phục vụ quốc phòng (súng, đạn, vật liệu nổ,…); tích hợp các hệ thống, bộ phận lưỡng dụng với các bộ phận chuyên dụng phục vụ quốc phòng để tạo thành thiết bị chuyên dùng phục vụ quốc phòng (đảm bảo tính bảo mật của an ninh quốc phòng)...
Cũng theo chương trình hợp tác hai bên, các đơn vị, nhà máy thuộc Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương chế tạo các bộ phận, thiết bị đòi hỏi sử dụng các thiết bị chuyên dụng, kích thước lớn hoặc công nghệ cao mà chỉ có các doanh nghiệp quốc phòng mới được trang bị.
Đơn cử như chương trình hợp tác với Viện Thiết kế tàu quân sự, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo các hệ thống cơ khí, thủy lực, tự động hóa trên tàu gồm:
Nghiên cứu, tính toán thiết kế các hệ thống cơ khí có kết cấu phức tạp như: Hệ thống vây giảm lắc, hệ cẩu gập, hệ chân vịt biến bước,... ; tối ưu hóa kết cấu và nâng cao tính năng tự động hóa của các trang thiết bị trên tàu; thiết kế thi công đóng tàu phần cơ khí trang bị tàu, máy tàu, điện - tự động hóa trên tàu;
Gia công, chế tạo các thiết bị cơ khí trên tàu như: Máy lái, tời neo, hệ cẩu gập, hệ thống cơ khí - thủy lực của vây giảm lắc, hệ thống thủy lực nâng hạ cầu mũi, hệ thống nắp hầm hàng các tàu đổ bộ, tàu vận tải, hệ trục chân vịt biến bước,… và các sản phẩm khác thuộc thế mạnh của mỗi đơn vị;
Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực: Nghiên cứu, đề xuất phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đối với các lĩnh vực trong ngành đóng tàu và các ngành công nghiệp khác phù hợp với năng lực của mỗi bên; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn ngành cơ khí; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật.
"Các hoạt động hợp tác trên là nhằm mục tiêu mở rộng, nâng cao chất lượng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phối hợp đào tạo nhân lực và hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo các hệ thống cơ khí, thủy lực, tự động hóa trên tàu và các lĩnh vực của các ngành công nghiệp khác giữa hai đơn vị. Qua đó sẽ góp phần phát triển kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu lưỡng dụng, đồng thời cho phép hai bên chủ động hơn trong việc lồng ghép các tiêu chí lưỡng dụng trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ mới"- TS. Phan Đăng Phong cho biết thêm.