Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang: Gặt hái nhiều thành tựu quan trọng

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đạt được nhiều thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học, cũng như ứng dụng các kết quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Đồng thời, tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Phát huy tiềm lực về nghiên cứu khoa học

Trong chương trình TechFest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn ra tại TP. Nha Trang vào tháng 8-2022, gian hàng của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đối với những công nghệ sẵn sàng chuyển giao, các sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng phát triển ứng dụng, như: Vải tẩm nano bạc kháng khuẩn, dung dịch kháng khuẩn nano bạc, fucoidan, phân bón lá, phân bón hữu cơ vi sinh từ dịch chiết rong biển và bã thải rong. Ngoài ra, còn có các sản phẩm có hoạt tính chống ôxy hóa chiết xuất từ rong biển thu tại Khánh Hòa… Đây đều là những sản phẩm công nghệ nổi bật, kết quả của các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KH-CN) cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh mà viện chủ trì thực hiện.

 Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện phân tích mẫu phục vụ nghiên cứu.

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang thực hiện phân tích mẫu phục vụ nghiên cứu.

Năm 2022, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đã chủ trì thực hiện 3 đề tài, dự án cấp nhà nước, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (NAFOSTED), 1 đề tài độc lập. Đồng thời, thực hiện 19 nhiệm vụ KH-CN cấp bộ và của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, 2 đề tài hợp tác địa phương... Tổng kinh phí thực hiện các đề tài, dự án, hợp đồng KH-CN gần 20 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, viện đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Nghiên cứu quy trình công nghệ tổng hợp sulfat beta-glucan từ men bánh mì nhằm tạo nguyên liệu hỗ trợ điều trị ung thư”. Sản phẩm đã được Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (ở Hà Nội) đăng ký để triển khai sản xuất thành sản phẩm Betaimmune. Cùng với đó, viện duy trì các hợp đồng KH-CN liên tục trong nhiều năm hay các hợp đồng KH-CN mới, như: Liên kết sản xuất nguyên liệu fucoidan khối lượng phân tử thấp; nghiên cứu sản xuất bột đạm thủy phân. Điều đó cho thấy, tiềm lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm của viện nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được viện tăng cường và mở rộng. Ngoài các đối tác truyền thống, như: Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Đan Mạch…, viện có thêm đối tác mới là Viện Nghiên cứu Địa cực (ISP) thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italia. Hai đơn vị đã phối hợp triển khai nghiên cứu trên nhóm đối tượng khá đặc biệt (vi khuẩn cổ chịu mặn), hứa hẹn mở ra các hướng nghiên cứu mới.

Tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao

Những năm qua, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang còn góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện nay, viện là cơ sở đào tạo của Học viện KH-CN tại khu vực miền Trung. Cán bộ nghiên cứu của viện tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ và cử nhân cho các trường đại học và học viện. Trong năm 2021 và 2022, viện có 85 học viên theo học trình độ thạc sĩ các chuyên ngành: Sinh học thực nghiệm, hóa phân tích, vật lý nguyên tử và hạt nhân.

Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang cho biết, những năm gần đây, viện đã tạo điều kiện cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ nghiên cứu trẻ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với công tác tự đào tạo, viện cũng chú trọng việc cử các cán bộ nghiên cứu đi trao đổi khoa học, đào tạo dài hạn ở nước ngoài nhằm tiếp thu những kiến thức và phương pháp làm việc hiện đại của các nước tiên tiến. Hiện nay, số lượng cán bộ trẻ của viện có trình độ chiếm đa số. Thời gian tới, viện tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao năng lực bộ máy quản lý hoạt động KH-CN. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức KH-CN của tỉnh, các đơn vị khác trong vùng, cả nước và các nước phát triển; tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, bền vững. Ngoài ra, viện đang xây mới một phòng thí nghiệm, sửa chữa cơ sở làm việc, góp phần phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu và đào tạo.

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam. Hiện nay, viện có 7 phòng chuyên môn và 1 trung tâm nghiên cứu với tổng số 46 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 14 tiến sĩ, 16 thạc sĩ. Năm 2022, viện có 2 cá nhân được Bộ KH-CN tặng bằng khen, 3 cá nhân được các đoàn thể Trung ương tặng bằng khen. Viện được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

HUYỀN TRANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/202303/vien-nghien-cuu-va-ung-dung-cong-nghe-nha-trang-gat-hai-nhieu-thanh-tuu-quan-trong-8277726/