'Viên ngọc' ẩn mình giữa đại ngàn Tây Nguyên

Mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng và huyền bí như một nàng tiên giữa đại ngàn, thác Lưu Ly ẩn chứa tiềm năng du lịch to lớn nhưng vẫn chưa được 'đánh thức'.

Vẻ đẹp nguyên sơ của thác Lưu Ly

Ẩn mình sâu trong lòng Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung (thuộc địa bàn xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), thác Lưu Ly như một viên ngọc thô giữa núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Ở nơi đây, thời gian như chậm lại, nhường bước cho thanh âm trong trẻo của núi rừng và những giá trị nguyên sơ, thuần khiết vẫn còn vẹn nguyên qua năm tháng.

Cao khoảng 30 mét, thác Lưu Ly không ồn ào, dữ dội như nhiều ngọn thác khác. Dòng chảy trắng xóa đổ xuống nhẹ nhàng, tạo cảm giác thanh thoát, dịu dàng. Từ xa nhìn lại, dòng thác tựa như mái tóc dài óng ả của một nàng tiên buông xõa giữa rừng già, tạo nên một vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa bí ẩn.

Con đường dẫn xuống thác Lưu Ly.

Con đường dẫn xuống thác Lưu Ly.

Nguồn nước của thác bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh dồn về, len lỏi qua các khe đá, chảy uốn lượn thành những dòng suối nhỏ trước khi tụ lại thành dòng chính đổ xuống vách đá. Dưới chân thác là một hồ nước trong vắt và bãi đá lớn, đủ để du khách có thể thoải mái vui đùa, thư giãn dưới làn nước mát lạnh hoặc chụp ảnh lưu niệm với phông nền là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, yên bình.

Không chỉ quyến rũ bởi vẻ đẹp dịu dàng của dòng thác, khu vực quanh Lưu Ly còn là một khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Dọc những con đường mòn dẫn xuống thác, du khách dễ dàng bắt gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như trâm, giẻ, chay rừng, chò sót, re… Đặc biệt, hai cây đa khổng lồ vài trăm tuổi, với những bộ rễ chằng chịt, bám sâu vào lòng đất, tựa như một tác phẩm nghệ thuật sống động của thiên nhiên. Đứng giữa không gian ấy, lắng nghe tiếng gió luồn qua tán lá, đón ánh nắng len lỏi qua tầng rừng rậm rạp, người ta không khỏi thấy mình nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của đất trời, thiên nhiên.

Thác Lưu Ly không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá Đắk Nông, mà còn là không gian để du khách tìm về với thiên nhiên nguyên bản, lắng nghe âm thanh của núi rừng và tái tạo năng lượng sau những bộn bề, tất bật của cuộc sống thường nhật.

Toàn cảnh thác Lưu Ly.

Toàn cảnh thác Lưu Ly.

Là đơn vị đang trực tiếp quản lý thác Lưu Ly, ông Bùi Đức Luân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao (tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện nay công ty đang quản lý tổng cộng 11.178ha rừng và đất rừng. Trong đó, đó có thác Lưu Ly.

Thác Lưu Ly và khu vực rừng xung quanh với tổng diện tích hơn 80ha, trước đây được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho doanh nghiệp để thực hiện điểm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án không những không mang lại hiệu quả mà rừng còn bị phá. Do đó, từ năm 2019-2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi khu vực thác Lưu Ly giao về cho Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao quản lý.

Dòng thác tựa như mái tóc dài óng ả của một nàng tiên buông xõa giữa rừng già.

Dòng thác tựa như mái tóc dài óng ả của một nàng tiên buông xõa giữa rừng già.

Kỳ vọng đánh thức tiềm năng, phát triển bền vững

Ông Phùng Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao cho hay, thác Lưu Ly là một thác nước đẹp ở khu vực. Thác đẹp nhất vào tháng 6, thời điểm này, mưa nhiều, nguồn nước từ các dãy núi dồn về. Đặc biệt, đường giao thông và hệ thống điện đã được Nhà nước đầu tư đến tận đầu thác. Không chỉ vậy, ở nơi đây, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, không khí trong lành. Khu vực này, còn có rừng nguyên sinh và gần điểm du lịch tâm linh là Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên - một trong những cơ sở phật giáo Trúc Lâm lớn và duy nhất tại Đắk Nông nên thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch.

Dòng nước từ thác đổ xuống trắng xóa, lấp lánh như những viên ngọc trong suốt.

Dòng nước từ thác đổ xuống trắng xóa, lấp lánh như những viên ngọc trong suốt.

Không chỉ vậy, cộng đồng người dân tộc bản địa sinh sống gần khu vực thác, đặc biệt là đồng bào M’Nông, vẫn gìn giữ và phát huy nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Vì vậy, khi đến thác Lưu Ly, du khách không chỉ được tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành mà còn có cơ hội khám phá, kết nối và trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, khu vực thác Lưu Ly là điểm lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, đơn vị hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, chưa đủ điều kiện để đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại đây. Đồng thời, một bộ phận người dân địa phương cũng chưa được tiếp cận và đào tạo bài bản để tham gia vào quá trình phát triển du lịch...

Trước tình hình trên, thông qua phương án quản lý rừng bền vững, Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, với quy mô tổng thể hơn 600ha. Trong đó, khu vực thác Lưu Ly chiếm hơn 300ha. Hiện nay, đề án đã được trình lên cấp có thẩm quyền và đang chờ ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành để hoàn thiện, trình tỉnh phê duyệt.

Bãi đá lớn bên dưới thác.

Bãi đá lớn bên dưới thác.

Theo kế hoạch, sau khi đề án được thông qua, công ty sẽ tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, phát triển du lịch tại khu vực thác Lưu Ly. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình triển khai đề án sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bảo vệ rừng, tuyệt đối không tác động đến bất kỳ cây rừng nào, chỉ tận dụng những khoảng trống không thể phát triển rừng được để xây dựng một số công trình phục vụ cho du lịch.

Ông Bùi Đức Luân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao nhấn mạnh: "Nếu đề án được triển khai thành công, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu cho công ty, mà còn mở ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, việc kết hợp khai thác các nét văn hóa đặc trưng và sản phẩm đặc sản của địa phương sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mặt khác, đề án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách bền vững và lâu dài".

Khu vực quanh Lưu Ly còn là một khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, với nhiều cây gỗ rừng cổ thụ.

Khu vực quanh Lưu Ly còn là một khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, với nhiều cây gỗ rừng cổ thụ.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Duy Giang –Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đắk Song cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến các chuỗi về Công viên địa chất, điểm di tích lịch sử đặc biệt đường mòn Hồ Chí Minh (bảng ghi danh tại thôn 8, xã Thuận Hạnh). Bên cạnh đó, trên địa bàn cũng có nhiều danh lam thắng cảnh như: Thác Lưu Ly, đỉnh Nâm Nung, đồi săn mây... Tuy nhiên, hiện nay mới dừng lại ở tiềm năng và chưa có nhà đầu tư. Những năm qua, UBND tỉnh đã kêu gọi rất nhiều các doanh nghiệp về đầu tư cho thác Lưu Ly, nhưng chưa có kết quả.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng và giữ chân du khách khi đến với thác Lưu Ly, rất cần sự đồng hành và đầu tư bài bản từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ và nghỉ dưỡng ở nơi đây.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vien-ngoc-an-minh-giua-dai-ngan-tay-nguyen-204250507062953061.htm