Viên thuốc rẻ tiền, thông dụng bất ngờ… chống được ô nhiễm không khí
Nghiên cứu phối hợp giữa 3 trường đại học Mỹ đã chứng minh một trong những viên thuốc phổ biến nhất thế giới có thể giảm được đến 50% tác hại của ô nhiễm không khí.
Công trình phối hợp giữa Đại học Columbia, Đại học Harvard và Đại học Boston (Mỹ) đã gây bất ngờ khi cho thấy viên thuốc asprin "xưa như trái đất" có thể cắt giảm một nửa tác hại của các vật chất hạt lên chức năng phổi.
Công trình đã nghiên cứu dữ liệu của 2.280 cựu chiến binh từ Boston và khu vực lân cận, với tuổi trung bình của các tình nguyện viên là 73. Họ được yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid, kiểm tra chức năng phổi; đem đối chiếu với các dữ liệu về mức độ ô nhiễm vật chất hạt và carbon đen trong tháng trước khi tham gia thử nghiệm.
Theo nhà nghiên cứu chính Xu Gao (Khoa Khoa học Sức khỏe Môi trường tại Trường Columbia Mailman – Đại học Columbia), kết quả cho thấy aspirin và cả một số thuốc kháng viêm không steroid khác đã giảm mạnh ảnh hưởng của vật chất hạt lên chức năng phổi, bảo vệ phổi khỏi các đột biến ngắn hạn trong ô nhiễm không khí. Nghiên cứu cũng tìm ra một thứ rẻ tiền khác là vitamin B cũng có thể giảm tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí lên sức khỏe tổng thể.
Vật chất hạt gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn, trong đó phổ biến là việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong lưu thông xe cộ và sản xuất điện năng.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu thêm về cơ chế và liều lượng thích hợp để aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid rẻ tiền khác có thể phát huy tác dụng chống ô nhiễm.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine.