Viếng chùa Quan Âm bên vàm Đại Ngãi

Ngôi chùa Quan Âm nằm cạnh vàm Đại Ngãi gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc cho Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Năm 2004, chùa Quan Âm được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Chùa Quan Âm tọa lạc tại ấp Ngãi Hội 2, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có lịch sử từ lâu đời. Theo các tài liệu còn lưu lại, trong khoảng thời gian từ năm 1860 - 1872, chùa được xây dựng và đặt tên là Quan Âm Cổ Tự. Chùa Quan Âm khởi đầu được cất bằng cây lá đơn sơ, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nên mới hoàn thiện và khang trang như ngày nay.

Đặc biệt, nơi đây vào ngày 23/9/1945 đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, chùa Quan Âm và bà con phật tử cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng vinh dự đón tiếp và tận tình đóng góp công sức chăm sóc đoàn chiến sĩ cách mạng trung kiên hơn 1.800 người, vừa trở về đất liền sau những năm tháng bị địch giam cầm tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Trong đoàn chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ có sự hiện diện của các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, cùng nhiều cán bộ khác. Sự kiện đón rước, chăm sóc Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng vượt qua nhiều khó khăn trong buổi đầu xây dựng chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn ấy, chùa Quan Âm được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004.

Chùa Quan Âm tạo nên đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Chùa Quan Âm tạo nên đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ngày nay, ngôi chùa là địa điểm sinh hoạt tôn giáo của bà con phật tử địa phương, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như là địa điểm tham quan của du khách gần xa. Đại đức Thích Phước Thiện - Phó Trụ trì chùa Quan Âm cho biết: “Ngôi chùa không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân mà còn là nơi phục vụ cho các tiện ích, sinh hoạt cộng đồng của người dân; nơi giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Ngoài ra, bổn tự tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà chùa kết nối các nhà hảo tâm gần xa để đem đến sự ấm áp, ấm no đối với bà con nghèo trong lúc khó khăn, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác từ thiện xã hội. Nhà chùa còn làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến tín đồ phật tử”.

Hàng ngày, ngôi chùa đều đón khách thập phương đến tham quan, cúng dường, nghiên cứu; những ngày lễ lớn có rất đông du khách tham quan. Chị Huỳnh Ngọc Minh - du khách đến từ huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tâm tình: “Tôi là người có gốc gác ở Đại Ngãi này, ba mẹ tôi thường xuyên đến viếng chùa Quan Âm và trở thành truyền thống gia đình, nên bây giờ chúng tôi vẫn giữ nét truyền thống đó. Chúng tôi đến viếng chùa để cầu nguyện cho gia đình sức khỏe, bình an; để cầu mong mọi điều tốt đẹp. Ngôi chùa đang được xây dựng lại và vẫn giữ được sự uy nghi như trước”.

Khi bước qua cổng tam quan, du khách sẽ bắt gặp tượng Phật Quan Âm đứng trên tòa sen ngay sân chùa và đi về phía phải chừng vài bước là ngôi Địa Mẫu thánh miếu. Bên trong là tượng Phật Di Lặc bằng đá đặt ngay phía trước chánh điện. Kế đến là ngôi chánh điện đang được xây dựng, trùng tu 1 trệt 1 lầu, bêtông hóa, có kiến trúc hiện đại, gần gũi với người dân Nam Bộ. “Giống như chánh điện của các ngôi chùa Bắc Tông khác, phần chánh điện Phật Thích Ca là vị Phật được thờ chính. Bên cạnh chánh điện còn thờ Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, Tiêu Diệm, Hộ Pháp, Tam Thế Phật, luôn thờ Tổ sư Đạt Ma. Phía trên chóp đỉnh của ngôi chánh điện là tòa bảo tháp với kiến trúc độc đáo” - Thượng tọa Thích Thanh Lập - Trụ trì chùa Quan Âm cho biết.

Phật tử Dương Văn Nên, ngụ ấp Ngãi Hội 1, thị trấn Đại Ngãi bộc bạch: “Ngôi chùa là nơi bà con phật tử và nhân dân địa phương gởi gắm niềm tin. Ngôi chùa chính là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng, chùa gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, đây còn là nơi có lịch sử, truyền thống cách mạng nên bà con ở đây rất tự hào. Bà con ở đây luôn nhiệt tình đóng góp tiền của để xây dựng và để chùa có thêm điều kiện làm tốt công tác an sinh xã hội”.

Với lịch sử ra đời khá lâu, chùa Quan Âm không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân mà còn là điểm vinh dự đón tiếp, chăm sóc Đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền. Sự kiện này đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/vieng-chua-quan-am-ben-vam-dai-ngai-65530.html