Việt Á, Tân Hoàng Minh và nhiều vụ án tham nhũng bị Ủy ban Tư pháp 'điểm tên'

Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Ủy ban Tư pháp đã nêu các vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á; Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh...

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Ngày 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 9.955 văn bản về quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đã phát hiện 283 vụ việc, đã chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm.

Đồng thời, đã tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đặc biệt, về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, các Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so năm 2021); đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can.

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo.

Trong đó, về công tác thi hành án: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, ứng với hơn 89 nghìn tỷ đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, ứng với hơn 43 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, ứng với 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 290% so với năm 2021).

"Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” - ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, đồng thời nêu, kết quả phòng chống tham nhũng đã được quốc tế đánh giá cao; Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, trong đó, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” gia tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, UBTP nhận thấy, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

"Kết quả công tác phòng chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận" - bà Lê Thị Nga nói.

Các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý.

Chẳng hạn, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý. sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…

Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.

Chẳng hạn, như vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 3,4 tỉ đồng. Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền sai phạm, đồng thời kiến nghị Sở Y tế kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc CDC Bến Tre.

Qua xem xét kết quả kiểm tra đối với đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc CDC Bến Tre và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Cụ thể như: Vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế…

Hay, vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương. Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 01 người, cảnh cáo 05 người, khiển trách 03 người).

Theo Báo cáo của Chính phủ, đối với các vụ án tham nhũng do Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân thụ lý điều tra, thiệt hại trong các vụ án thụ lý trên 2.984 tỷ đồng; đã thu hồi trên 2.356 tỷ đồng, 179.251,5m2 đất. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, thiệt hại ước tính trên 981 tỷ đồng; đã thu hồi trên 924 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-a-tan-hoang-minh-va-nhieu-vu-an-tham-nhung-bi-uy-ban-tu-phap-diem-ten-226202.html