Viết cho ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3

Theo lịch sử - văn hóa Việt Nam, người mẹ đầu tiên đẻ ra nòi giống Lạc Hồng là bà Âu Cơ thần thoại; và người phụ nữ đầu tiên dấy binh phất cờ giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập, tự chủ cho đất nước thoát khỏi đêm dài Bắc thuộc là Hai Bà Trưng như chính sử đã ghi. Từ đó, phụ nữ Việt Nam đáng được ghép hai chữ Anh hùng. Việc Đảng, Nhà nước ta đặt danh hiệu cao quý 'Bà mẹ Việt Nam Anh hùng' cho các bà mẹ có công sinh, dưỡng các con lớn lên phụng sự Tổ quốc và anh dũng hy sinh, là rất xứng đáng.

1. Thử ngược dòng thời gian, ta thấy con người đầu tiên theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ cưới chồng, cai quản toàn bộ gia đình và sinh con đẻ cái đều lấy họ mẹ. Ông chồng trở thành thứ yếu, bà vợ sai đâu ông chồng làm theo đó; vợ bảo sao chồng nghe vậy. Về sau, chưa rõ từ đâu mà cánh mày râu áp dụng chế độ phụ hệ, giành lấy quyền lực gia đình với lắm kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Ngày Quốc tế Phụ nữ ra đời là để điều chỉnh các hành vi cơ bắp của đàn ông. Phụ nữ phải đấu tranh chống bạo lực gia đình, cho nam nữ bình đẳng, không để chồng như ngọn gió, vợ như ngọn cỏ, gió lùa đâu, ngọn cỏ cuốn theo đó.

2. “Trời không ánh sáng hoa nào nở/ Dạ vắng yêu thương dạ luống sầu/ Đời vắng mẹ hiền, không thiếu nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?” (không nhớ rõ tác giả). Đúng vậy, phụ nữ là một nửa của nhân loại. Nhà văn lão thành Vũ Hạnh (mới mất ở tuổi 96) viết: “Câu chuyện về Người đàn bà đầu tiên” qua thần thoại phương Tây. Xin tóm lược: Người đàn ông đầu tiên là từ đất sét nặn ra ở phàm trần, còn người đàn bà đầu tiên lại từ kim loại được đúc trong lò của Thượng đế - qua tay thần nghề rèn Vulcain mà nàng Pandore ra lò có nhan sắc khiến thần nào nhìn cũng chết mê chết mệt, nhưng chỉ có thần Epiméteé là chinh phục và lấy được nàng làm vợ.

Ngày cưới, hai vợ chồng cùng mở chiếc hộp là tặng vật của Trời. Nắp hộp vừa bật ra, từng đám mây lan tỏa mịt mù, mặt đất tối sầm lại, từng đàn ác điểu bay lên kêu vang. Con thì “Ta là dối trá!”, con thì “Ta là kiêu ngạo!”, con thì “Ta là nông nổi!”, con thì “Ta là thô bạo!”… - toàn cái xấu cả! Giữa màn đen tối hỗn độn ấy, Epiméteé và Pandore lạc nhau. Từ đó, họ mới biết thế nào là sự phụ phàng, nỗi đau khổ của chia ly trong cuộc sống vợ chồng.

Thời gian sau, có một làn hương quyến rũ, huyền hoặc bay qua, khiến các thần đê mê, ngây ngất. Pandore và Epiméteé sờ soạng tìm kiếm nhau, bất ngờ hai mái đầu cụng nhau. Họ tái ngộ, cùng nhìn chiếc hộp. Một cành hoa ngào ngạt hương thơm tỏa ra. Cành hoa ấy có tên là Hy vọng. Phải, hoa Hy vọng! Dù vợ chồng có trắc trở thế nào, cũng đừng tuyệt vọng. Hãy thắp lên ngọn lửa Hy vọng chừng nào vẫn còn sống nhé! Nhà văn đọc Đông Tây kim cổ, rút ra nhiều bài học trải nghiệm, nhận định: Đặc điểm khá lớn trong nền văn học chính thống của thế giới suốt mấy ngàn năm, là sự nói xấu

đàn bà trên toàn thế giới. Nhan nhản trong những nền văn hóa lớn. Như triết gia Anaxilas nói: “Hùm beo, rắn độc, quái vật, bao nhiêu thứ ấy là gì? Chẳng là gì cả trước cái giống loài đàn bà gớm ghiếc”. Plutarque thì: “Khi các ngọn nến được thổi tắt rồi thì mọi đàn bà đều xinh đẹp cả”. Còn Hoàng đế Napoléon thì: “Phụ nữ là linh hồn của mọi âm mưu, do đó nên đẩy họ vào bếp núc. Các phòng khách của chính quyền nên gài chốt cửa, đừng để họ vào”... Miệt thị, hạ thấp vai trò phụ nữ đến thế là cùng!

3. Nhớ lần tôi đến thăm anh bạn nhà văn người Thanh Hóa, sống ở Gò Vấp (TP.HCM). Vợ anh nói: “Dạ, nhà em mới đi ra ngoài, để em gọi nhà em về”. Rồi chị mở điện thoại di động: “Mình ơi, có anh...”. Tôi nghe mà dâng trào cảm xúc. Ôi, tiếng gọi “nhà em”, “mình ơi” sao mà ngọt ngào, nồng ấm đến thế! Nhà văn lão thành Vũ Hạnh cho rằng, “nhà” gợi lên một hình ảnh lớn lao, vững chãi - dầu là nhà tranh vách đất và có ý nghĩa cố định. “Nhà” là nơi đùm bọc, chở che, lưu trữ bao nhiêu giá trị về mặt tinh thần, cũng như cất giữ bao nhiêu vốn liếng về mặt vật chất. Đó là khởi điểm để mỗi sáng mai con người cất bước ra đi, vừa là điểm để khi chiều xuống, con người quay gót trở về.

Tiếng “nhà tôi” như muốn khẳng định một niềm chung thủy. Ai cũng quyến luyến ngôi nhà đã ấp ủ mình; dầu có việc đi xa vẫn mong quay về chốn cũ, tìm lại hơi ấm trong cái nhà của mình. Hai tiếng “nhà tôi” trong ngôn ngữ Việt là chứng tích của một quan niệm vợ chồng, một liên hệ lứa đôi, cần được trân trọng, bảo tồn. Còn về tiếng “mình” ở ngôi vị thứ 2, giữa vợ và chồng, cũng mang tính cách bình đẳng. Cách xưng hô này là muốn thấy trong hôn nhân một sự hòa đồng, hòa nhập, một sự kết hợp đầy tính thống nhất giữa hai con người khi đã chấp nhận để thành một người duy nhất, đầy đủ giá trị cũng như quyền năng. Nhiều bà vợ vẫn hay nói “anh nhà tôi”, “ông nhà tôi”... Nhiều ông chồng vẫn hay gọi vợ “mình ơi!”... Phải chăng đó là tiếng gọi của sự dịu dàng, hạnh phúc và thuận hòa mà vợ chồng dành cho nhau? Chớ “mày tao” với nhau thì “còn tình chi nữa, là thù đó thôi” (Kiều).

4. Cuối cùng, khỏi phải nói đâu xa. Ở TP.Tân An này, tôi biết anh T. - cán bộ hưu trí, có vợ bị tai biến mạch máu não từ tuổi 40, hơn 20 năm nay chị sống thực vật dưới sự chăm sóc, đỡ đần từng li từng tí của chồng. Anh T. luôn muốn làm cho vợ vui để khỏi mặc cảm với đời. Còn anh B., cũng cán bộ hưu trí, ở tuổi 70 mà từ 15 năm nay, anh luôn túc trực bên giường mẹ già gần tuổi trăm. Cụ bà chỉ nằm bất động trên giường từ khi bị đột quỵ, cách nay 15 năm. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ một tay con trai. Nhớ hôm cụ bà nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, anh mừng phát khóc. Anh ao ước mẹ mình sống trọn tuổi trăm, để anh được hạnh phúc tổ chức lễ mừng thượng thượng thọ cho mẹ - người từng cống hiến quãng đời khỏe mạnh cho sự nghiệp cách mạng. Gần 15 năm qua, anh gạt mọi thú vui để chỉ biết có mẹ.

Vẫn còn đó những tấm lòng người chồng đối với vợ, người con đối với mẹ trọn tình, trọn hiếu như thế!./.

Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/viet-cho-ngay-quoc-te-phu-nu-08-3-a131645.html