Việt Nam-Ai Cập: Trao đổi kinh nghiệm thu hút tài chính xanh
Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng, không chỉ có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà còn có thể tham gia vào các hình thức hợp tác ba bên hoặc nhiều bên.
Ngày 31/10, trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ai Cập, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tổ chức Hội thảo Tăng trưởng xanh và ngoại giao khí hậu trong bối cảnh phục hồi kinh tế: Trao đổi kinh nghiệm thu hút tài chính xanh giữa Ai Cập-Việt Nam. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Rao’f Saad, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cố vấn Bộ trưởng về các thỏa thuận đa phương, Bộ Môi trường Ai Cập; ông Sief el Deen Mustafa, Vụ trưởng Vụ Tài chính và đầu tư trực tiếp, Cơ quan quản lý Khu kinh tế Kênh đào Suez (SCZone); bà Deena Wahba, Cố vấn Bộ trưởng về các vấn đề đối ngoại, Bộ Tài chính Ai Cập và bà Reham Youssef, Trưởng nhóm Chính sách và quan hệ đối tác, UNDP Ai Cập.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của GS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam-châu Phi; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, giảng viện Đại học Kinh tế Quốc dân; Tiến sĩ Trương Hoàng Diệp Hương, giảng viên Học viện Ngân hàng Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, các quốc gia đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động biến đổi khí hậu do không đủ nguồn lực để ứng phó.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam và Ai Cập đều chú trọng vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải. Để đạt được những mục tiêu này, tài chính xanh là vô cùng quan trọng, trong đó, việc sử dụng ngoại giao khí hậu như một công cụ đạt được tài chính xanh cần được thúc đẩy hơn hết.
Các diễn giả nhất trí về tầm quan trọng của tài chính xanh trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu; nêu bật những khía cạnh lý luận và thực tiễn của ngoại giao khí hậu. Ngoài ngoại giao khí hậu, các diễn giả đã điểm qua một số biện pháp thu hút tài chính xanh khác như thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội hay việc áp dụng thuế môi trường.
Các đại biểu cho rằng, Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng, không chỉ có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau mà còn có thể tham gia vào các hình thức hợp tác ba bên hoặc nhiều bên, với mô hình phát triển phù hợp nhất với cơ cấu dân số, kinh tế của mỗi nước.
Trong đó, một số lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh tiềm năng được nhắc đến, gồm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao và phát triển công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) để thoát thế phụ thuộc vào các nước phát triển…
Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của con người. Tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững.
Trong khi đó, ngoại giao khí hậu là việc sử dụng các công cụ ngoại giao phục vụ cơ chế chống biến đổi khí hậu quốc tế và làm giảm bớt các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng.