Việt Nam - Ấn Độ thúc đẩy hợp tác xứng với tiềm năng

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 30/7-1/8 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo xung lực mới và mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tăng cường thương mại, đầu tư

Trong chuyến thăm, Lãnh đạo hai nước đã khẳng định thông điệp tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng, trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (năm 2016), kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần, đạt gần 15 tỷ USD vào năm 2023. Ấn Độ hiện là một trong 8 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN về thương mại với Ấn Độ.

Dù số liệu đó cho thấy tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng nhưng con số tuyệt đối về kim ngạch thương mại song phương đạt được hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước. Như theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kim ngạch thương mại hai chiều hiện tại khoảng 15 tỷ USD, hay đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam mới chỉ khoảng 1 tỷ USD (đứng thứ 25/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam) cho thấy hai bên chưa khai thác hết các tiềm năng lợi thế thị trường của nhau và còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Vì thế, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Nỗ lực để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vì vậy cũng là một trong tinh thần “Năm hơn” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong trao đổi đã nhất trí. Theo đó, hai bên đặt mục tiêu hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD, tăng gấp đôi đầu tư hai chiều từ nay đến năm 2030. Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ giải quyết vấn đề rào cản thương mại, thúc đẩy các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang thị trường rộng lớn và tiềm năng của Ấn Độ như điện tử, dệt may, nông sản… Bên cạnh các lĩnh vực thương mại truyền thống, hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các quy định và chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia các nền tảng số và thương mại điện tử để tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu một cách bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tinh thần "Năm hơn": Tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn; Hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn; Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.

Về đầu tư, hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các dòng đầu tư song phương. Trong đó, Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ Ấn Độ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất, may mặc, công nghiệp ô tô và nguyên vật liệu, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chất bán dẫn, các dự án năng lượng tái tạo…Về phía bạn, Ấn Độ hoan nghênh đầu tư từ Việt Nam trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị, du lịch, công nghệ số, xe điện, sản xuất pin...

Sẵn sàng đón các dòng FDI lớn từ Ấn Độ

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam; hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ cao…Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có các cuộc gặp với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ. Trong lĩnh vực dược phẩm, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn SMS Pharmaceuticals; ông Narendra Reddy, Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika; ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập tập đoàn dược phẩm BDR. Đại diện các tập đoàn đều đánh giá Việt Nam đang phát triển rất năng động, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi và là nơi thu hút đầu tư hàng đầu. Trong đó, SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1 và dự kiến sẽ thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Còn tập đoàn BDR - hiện là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ - đã thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022, hiện đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư. Lãnh đạo BDR cho biết mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, lâu dài về dược phẩm tại Việt Nam, đang nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư, sản xuất các loại thuốc quan trọng, thế hệ mới và chuyển giao công nghệ, nhất là trong điều trị ung thư, AIDS… cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng, Thủ tướng đánh giá kết quả hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian qua và hoan nghênh dự định hợp tác, đầu tư, mở rộng đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Liên quan đến các dự án mà các tập đoàn Ấn Độ dự kiến đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án lớn về dược phẩm đều là những dự án rất tiềm năng, có thể triển khai ngay. Với dự án Cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, xây dựng trung tâm logistics, dầu khí…, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay các tổ công tác để cùng với các doanh nghiệp Ấn Độ trong quá trình tìm hiểu, lập hồ sơ dự án, giúp nhà đầu tư nhanh chóng làm đúng quy định pháp luật Việt Nam nhưng rút ngắn thời gian, sớm triển khai thu hút đầu tư từ Ấn Độ sang Việt Nam.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chuẩn bị tích cực của chúng ta thì thương mại, đầu tư của hai nước sẽ tăng lên mạnh mẽ trong thời gian tới, đồng thời đạt được các định hướng mà hai nhà lãnh đạo đã đặt ra tại cuộc gặp lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-an-do-thuc-day-hop-tac-xung-voi-tiem-nang-154276.html