Việt Nam áp dụng ngay thuế tối thiểu từ đầu năm 2024

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, từ ngày 1/1/2024, các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore... sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Việt Nam phải áp dụng ngay thuế tối thiểu từ đầu năm 2024, nếu không sẽ mất quyền đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Thưa ông, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, tức là không bắt buộc tất cả các quốc gia phải thực hiện, vậy Việt Nam có nên thực hiện không?

Theo nguyên tắc áp dụng thì thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, tức là không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng, đặc biệt là những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... sẽ thực hiện thuế tối thiểu từ đầu năm 2024. Theo đó, các quốc gia này có quyền thu thuế bổ sung với các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) đang được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%. Việt Nam chủ yếu là nước nhận đầu tư vốn từ nước ngoài, nên sẽ bị ảnh hưởng ngay bởi thuế tối thiểu.

Nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam hiện tại là 20%, vẫn cao hơn thuế tối thiểu, thưa ông?

Thuế tối thiểu toàn cầu hiểu đơn giản là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đánh vào các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu euro trở lên đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế ở các quốc gia khác dưới 15%, thì quốc gia mà công ty mẹ đóng trụ sở chính có quyền thu phần chênh lệch dưới 15%.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam hiện tại là 20% đúng là cao hơn thuế tối thiểu, nhưng cũng như nhiều quốc gia nhận đầu tư khác, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam áp dụng cho nhiều đối tượng như khu vực đầu tư, địa bàn đầu tư, vốn đầu tư, quy mô sử dụng lao động..., nên nhiều tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu được hưởng ưu đãi miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp 9 năm hoặc miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp 4 năm, nên tính ra, tổng số thuế thực nộp dưới 15%. Phần chênh lệch dưới 15% này, nếu Việt Nam không thu bổ sung, thì “rơi vào tay” nước mà doanh nghiệp đi đầu tư.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, vì vậy, Việt Nam đã chuẩn bị để tham gia thuế tối thiểu toàn cầu. Hơn nữa, áp dụng thuế tối thiểu còn góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; giảm thiểu tình trạng trốn thuế, tránh thuế, chuyển lợi nhuận ra nước có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn, dẫn đến thất thu ngân sách.

Thưa ông, Việt Nam đã có sự chuẩn bị gì để tham gia sân chơi mới này?

Về quan điểm chỉ đạo và cơ sở pháp lý đã có sự “chuẩn bị từ sớm, từ xa”.

Cụ thể, Nghị quyết 07-NQ/TW (ngày 18/11/2016) yêu cầu hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các khoản thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) yêu cầu hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế. Nghị quyết 32/2021/QH15 cũng yêu cầu phải khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế; rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng, luật pháp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trình cấp có thẩm quyền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến vào dự thảo này, chỉ chờ cấp có thẩm quyền thông qua là chúng tôi sẽ triển khai thực hiện kể từ đầu năm 2024.

Các cơ chế ưu đãi miễn, giảm thuế là một trong những “lực hấp dẫn” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi không còn ưu đãi miễn, giảm thuế, thì Việt Nam sẽ giảm hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Khi áp dụng thuế tối thiểu, chắc chắn, các tập đoàn đa quốc gia sẽ tính toán lại chiến lược đầu tư, kế hoạch đầu tư trên cơ sở lợi ích mà họ thu được khi quyết định đầu tư ở đâu. Việt Nam chắc chắn không bao giờ muốn “tụt hạng” trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài khi áp dụng thuế tối thiểu. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam, như Apple, Samsung...

Lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia cho rằng, khi áp dụng thuế tối thiểu, Chính phủ Việt Nam phải “bù lại” bằng các ưu đãi khác, trong đó rất nhiều ưu đãi không phải bằng tiền mà là cơ chế, chính sách. Đó là việc tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng áp dụng cho các khu phi thuế quan; ưu đãi về đất đai, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; không thu thuế gián thu (giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt) khi doanh nghiệp xây dựng cơ bản.

Doanh nghiệp cũng đề xuất không thu thuế gián thu đối với hàng hóa nhập khẩu là đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu. Trên 90% sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất là để xuất khẩu, nên nếu thu các loại thuế này ở khâu nhập khẩu hàng hóa là đầu vào của sản xuất, thì khi doanh nghiệp xuất khẩu, ngân sách nhà nước vẫn phải hoàn lại. Việc này vừa mất thời gian, công sức, gây phiền hà và thiệt hại cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp phải vay tiền nộp thuế.

Theo ông, cần phải làm gì để tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, song vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Hiện tại, cả nước có 407 khu công nghiệp, trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 11.200 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 231 tỷ USD. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đặc biệt là chính sách ưu đãi tiền thuê đất, vì đây là ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi tới đây phải dựa trên chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra, tức là hỗ trợ trực tiếp các khoản chi phí mà doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đặc biệt là ưu đãi đối với tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia, công ty sở hữu công nghệ lõi, công nghệ nguồn và những lĩnh vực Việt Nam định hướng phát triển như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, sản xuất chip...

Đồng thời, cần phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ..., hay hỗ trợ khác ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Tất cả các chính sách hỗ trợ phải đồng bộ và sớm ban hành, vì thời gian đến ngày 1/1/2024 không còn nhiều.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-ap-dung-ngay-thue-toi-thieu-tu-dau-nam-2024-d201882.html