Việt Nam - Bến đỗ của sự tin tưởng và kỳ vọng

Kể từ ngày Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành cho đến nay (12/1987-12/2024), đã 37 năm trôi qua. Suốt hành trình đó, Việt Nam luôn kiên định với chủ trương mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho FDI vào đầu tư và phát triển hiệu quả. Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam về FDI đã từng bước được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng đi vào thực chất, tập trung nhiều hơn vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Việt Nam Chủ động thu hút, hợp tác có chọn lọc

Dựa trên đặc thù từng giai đoạn phát triển của kinh tế đất nước và bối cảnh thế giới, chính sách về đầu tư nước ngoài luôn được thiết chế cho phù hợp, nhưng tất cả trên một nguyên tắc cơ bản: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Mặt khác, chính sách của Việt Nam cũng luôn hướng đến tiêu chí đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2018 của Bộ Chính trị, Việt Nam đã thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, theo đó các chính sách và cơ chế thu hút FDI đã và đang tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa nền kinh tế trước đòi hỏi của nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Và kể từ khi Luật Đầu tư 2020 ra đời (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) cùng với Nghị định 31/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, đã đặt ra tiêu chí khắt khe hơn đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ưu đãi nhiều hơn cho các dự án công nghệ cao, giảm thiểu tối đa các dự án đầu tư vào các lĩnh vực gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư “xanh” và bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp ước về thuế tối thiểu toàn cầu - Trụ cột 2 của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận do Tổ chức Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013, chính sách thu hút FDI của Việt Nam lại càng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhằm tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Một mặt, chúng ta đã sửa đổi đồng bộ các luật thuế có liên quan như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… để ngăn chặn trước các bất cập, rào cản có thể xảy ra trong giai đoạn tới khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Mặt khác, chúng ta tích cực nghiên cứu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, giúp họ giải tỏa nỗi lo lắng khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024.

Sự vào cuộc kịp thời của Việt Nam trong mọi thay đổi của bối cảnh quốc tế liên quan đến FDI thông qua việc ban hành các định hướng phát triển, hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài là những ưu điểm nổi bật của Việt Nam trong suốt thời gian qua, giúp các nhà đầu tư ngày càng yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài.

Cần một hệ sinh thái phù hợp cho các ngành, địa phương

Bước sang năm 2025 - một năm bản lề cho một “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với nhiều kỳ vọng bứt phá mới, đó là khi ở trong nước, Việt Nam có một bộ máy lãnh đạo mới với nhiều sự thay đổi quyết liệt về thể chế từ trung ương tới các bộ, ngành, địa phương. Đó là khi nhìn ra bên ngoài, cục diện thế giới chắc hẳn sẽ có nhiều thay đổi khi Tổng thống Mỹ D. Trump nắm quyền với những chính sách về thuế, thương mại.

Vậy cơ hội và chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới là gì? Chính sách thu hút vốn FDI cần thay đổi gì để đón đầu dòng vốn có khả năng dịch chuyển cũng như hướng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới? Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi nhiều quyết sách quan trọng và khôn ngoan cả về tầm chiến lược, sách lược và năng lực thực thi.

Trước hết về chiến lược, Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, như trong các năm đầu mở cửa thu hút FDI còn bị “bao vây, cấm vận” - thời điểm Việt Nam còn chưa có vị thế cao và hội nhập kinh tế quốc tế rộng như hiện nay. Nhưng, chúng ta luôn nhất quán trong “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Chiến lược này trong thực tế đã được các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh quốc tế luôn có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình địa chính trị luôn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực và trên toàn cầu vẫn tiếp diễn ra gay gắt, nhưng FDI vẫn vào Việt Nam và Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Đây cũng chính là cơ hội lớn của Việt Nam để có thể tiếp tục đón đầu dòng vốn trong tương lai.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc và toàn diện, hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Trong giai đoạn tới, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư; sớm hóa giải các quy định xung đột, chồng chéo lớn trong các văn bản luật… nhằm tập trung nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Một mặt, cần tiếp tục sớm hóa giải các quy định xung đột, chồng chéo lớn trong các văn bản luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở… Mặt khác, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu (hoàn thiện chính sách nhằm tạo quỹ đất sạch nhanh, đủ đáp ứng nhu cầu cho đầu tư; đảm bảo đủ năng lượng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (điện, khí,…); phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình số hóa nền kinh tế (trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, điện tử, công nghệ số…).

Và để tiếp tục tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nói chung, cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI - lực lượng chiếm tới bình quân 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng năng lực xuất khẩu chiếm tới 60-70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.

“Đất lành, chim đậu”. Muốn Việt Nam tiếp tục là bến đỗ, miền đất lành thì chúng ta phải có một hệ sinh thái cho các ngành, gồm: cơ sở hạ tầng, phổ cập về công nghệ giao dịch số, các chính sách quản lý Nhà nước thoáng, mở, nâng đỡ; dịch vụ hành chính công văn minh tiến bộ; và quy hoạch địa phương, vùng kinh tế phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực sinh thái.

Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, là phải tháo được nút nghẽn về thể chế, tức là cơ quan quản lý nhà nước phải đi đầu, phải khai mở, tiến bộ, văn minh, giảm chi phí…

Về phía doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải làm sao để đón được luồng đầu tư về đây. Chất lượng nguồn nhân lực gồm: đào tạo chuyên nghiệp, khả năng tự học và tự đổi mới; tính kỷ luật và cam kết; văn hóa hướng tới tiếp nhận văn minh; tinh thần thái độ của người lao động. Ngoài sinh thái ra còn ở khía cạnh ít rủi ro, có khả năng dễ sống, dễ lập nghiệp, dễ nhân bản, dễ khởi sự, hướng tới các giá trị kiến tạo, nhân văn, khai mở...

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng biên tập Báo cáo thường niên FDI

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-ben-do-cua-su-tin-tuong-va-ky-vong-160062.html