Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ Công ước cấm vũ khí hóa học
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm lần thứ 5 (RC-5) về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC), Đại sứ Phạm Việt Anh tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ không phổ biến và giải trừ hoàn toàn, có kiểm chứng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hóa học.
Hội nghị tổng kết 5 năm lần thứ 5 (RC-5) về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) diễn ra tại La Haye (Hà Lan) từ ngày 15-19/5/2023.
Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học trong 5 năm qua và đề ra định hướng chiến lược cũng như những ưu tiên hoạt động và các biện pháp, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ bản trong 5 năm tới.
Tại đây, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh - đại diện thường trực Việt Nam tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm CWC.
Theo Đại sứ Phạm Việt Anh, Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 của OPCW là một sự kiện quan trọng và là minh chứng cho nỗ lực chung của tất cả các quốc gia về sức mạnh của ngoại giao, chủ nghĩa đa phương và sự tôn trọng hệ thống quốc tế dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế.
Đại sứ tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ không phổ biến và giải trừ hoàn toàn, có kiểm chứng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hóa học; lên án mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào và vì bất kỳ động cơ nào. Việt Nam khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm công ước CWC.
Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam đã đề nghị và kêu gọi các hoạt động của OPCW cần tuân thủ nghiêm chỉnh các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại công ước CWC; tăng cường tính công khai, minh bạch, khách quan và không bị chính trị hóa; tăng cường hợp tác, đối thoại để giải quyết các khác biệt.
OPCW cần phát huy chức năng và khả năng của mình đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.
OPCW cũng cần tạo điều kiện hơn cho việc tận dụng nguồn nhân lực từ các nước đang phát triển, trong đó chú trọng sự cân bằng địa lý; ủng hộ ý tưởng xây dựng và nhân rộng các trung tâm khu vực để kết nối nguồn lực triển khai công ước, trong đó có việc thực hiện Sáng kiến thành lập Trung tâm khu vực ASEAN về nâng cao năng lực thực thi CWC.
Việt Nam cũng đề nghị phát huy vai trò của Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) trong công tác hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo nhân viên cho các quốc gia thành viên và mở thêm cơ hội cho cán bộ các nước thành viên làm việc tại Chemtech, nhất là các nước đang phát triển.
Tính đến nay, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã hoạt động được 26 năm và các quốc gia đã tiêu hủy được hơn 99% số vũ khí hóa học đã khai báo dưới sự kiểm soát của tổ chức này. Số vũ khí còn lại cũng đã được Mỹ cam kết tiêu hủy hết trước ngày 30/9/2023.
Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC) được các quốc gia ký kết năm 1993 và có hiệu lực năm 1997. Việt Nam ký tham gia Công ước từ ngày đầu tiên, 14/1/1993.
Trong số các hiệp ước giải trừ quân bị, CWC là công ước thành công nhất trong việc tiêu hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì vậy, OPCW đã được nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2013.
Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 của OPCW có sự tham dự của 800 đại biểu, đại diện cho 137 quốc gia thành viên, 2 quốc gia quan sát viên (Israel và Nam Soudan), 14 tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn, 74 tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tổ chức xã hội dân sự và báo giới.
Song song với hội nghị chính thức có 27 sự kiện bên lề nhằm thông tin cụ thể hơn cho các đại biểu về chức năng, nhiệm vụ và sự song hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức đối với việc xác định, tiêu hủy vũ khí hóa học; kiểm tra, xác minh hóa chất và hỗ trợ phát triển ngành hóa chất phục vụ mục đích hòa bình.
Hội nghị đã ghi nhận và coi tất cả các ý kiến đóng góp là cơ sở, căn cứ và định hướng để OPCW đề ra kế hoạch và hành động trong thời gian tới, như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với tổ chức này.
Nguồn: TTXVN