Việt Nam cần biến tiềm năng thành hiện thực trong công nghiệp bán dẫn
Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ cho biết rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đối với ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh hiện nay.
Cho rằng hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu câu hỏi: Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam? Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?
Trả lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, kinh tế số phát triển nhanh. Đặc biệt, chúng ta quan tâm giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu… Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, ở trong nước, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã đầu tư ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh doanh số, trong thời gian vừa qua, tăng trưởng và đóng góp của ngành kinh tế số 12%-15%. Như vậy, tăng trưởng rất nhanh nên cơ hội này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư, người được đào tạo trong các trường đại học đã có kiến thức nền tảng, có thể tiếp cận ngay để tham gia vào trong chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói...
Cùng với đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông, người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này. Vì thế, qua những cơ chế chính sách để huy động sự tham gia của các nhà khoa học ở nước ngoài, Chính phủ cũng sẽ có những chủ trương chọn các trường đại học xây dựng trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam bằng cách đầu tư những phòng thí nghiệm tập trung, hiện đại để có thể thiết kế, kiểm chuẩn và sản xuất, có thế, chúng ta mới có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi này…
Trao đổi thêm về việc Việt Nam sớm tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nhận định, sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn diễn ra khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho Việt Nam để trở thành miền đất hứa cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại biểu nhấn mạnh, trong phần trả lời chất vấn Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề cập rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Đại biểu Hạ mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế nào để khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước.
Trả lời, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta sẽ đầu tư một số trung tâm nghiên cứu khoa học để phục vụ cho các trường dùng chung; một số trung tâm đổi mới sáng tạo để chúng ta có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản làm chủ được các bước sau. Những đầu tư này cũng khá lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử có thể lên tới 7 tỷ USD. Do đó, cần Nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia.