Việt Nam cần chính sách thị thực đột phá để thu hút giới siêu giàu

Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề xuất một số chính sách thị thực nhằm thu hút chuyên gia, nhân tài và giới siêu giàu đến Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch khu vực ngày càng gay gắt.

Nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua thu hút khách quốc tế

Mặc dù du lịch Việt Nam đã phục hồi đáng kể sau đại dịch với 17,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, các chuyên gia của TAB cảnh báo rằng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Thái Lan chỉ còn 12% nữa là đạt mức 40 triệu lượt khách trước đại dịch, trong khi Malaysia chỉ cần thêm 4% để quay về mức 25 triệu lượt khách quốc tế.

 Khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng còn kém so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia - Ảnh: PV

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng còn kém so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia - Ảnh: PV

Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam gặp bất lợi chính là chính sách thị thực chưa đủ cạnh tranh. Thái Lan đã nâng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và mở rộng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu. Malaysia thậm chí miễn thị thực cho 158 quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ miễn thị thực cho 30 quốc gia.

Các nước láng giềng không chỉ mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực mà còn triển khai nhiều loại thị thực mới để thu hút người nước ngoài có năng lực tài chính và chuyên môn cao.

Thái Lan đã áp dụng Thị thực cư trú dài hạn (LTR) từ năm 2022 với thời hạn lưu trú tới 10 năm, kèm theo các ưu đãi như giấy phép lao động, thuế thu nhập cá nhân ưu đãi 17%, quyền sở hữu tài sản, xuất nhập cảnh nhiều lần.

Ngoài ra, nước này còn triển khai các chương trình đặc quyền như Thailand Privilege, Thailand Smart Visa dành riêng cho chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư và doanh nhân cấp cao.

Tương tự, Malaysia đã tái triển khai chương trình "Ngôi nhà thứ hai của tôi" nhằm thu hút nhân tài và nhà đầu tư quốc tế.

Singapore cũng không đứng ngoài cuộc khi đưa ra các chương trình như Thị thực doanh nhân khởi nghiệp (EntrePass), Nhà đầu tư toàn cầu (Global Investor Program - GIP) và Thị thực doanh nhân công nghệ (Tech.Pass), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Không chỉ cải cách chính sách thị thực, các nước còn dành nguồn lực lớn cho quảng bá du lịch quốc tế. Năm 2024, Thái Lan đầu tư gần 200 triệu USD, Malaysia chi 84 triệu USD, trong khi Singapore dẫn đầu với 220 triệu USD.

Trong khi đó, ngân sách quảng bá du lịch nước ngoài của Việt Nam được TAB ước tính chỉ vào khoảng dưới 8 triệu USD, một con số quá thấp so với các đối thủ trong khu vực. Sự thiếu hụt này đã khiến các chương trình xúc tiến du lịch của Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng.

TAB đề xuất chính sách thị thực mới

 Việt Nam cần chính sách thị thực đột phá để thu hút chuyên gia, nhân tài và giới siêu giàu - Ảnh: Thế Quang

Việt Nam cần chính sách thị thực đột phá để thu hút chuyên gia, nhân tài và giới siêu giàu - Ảnh: Thế Quang

Theo TAB, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo tiền đề cho mức tăng trưởng hai con số trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu duy trì tăng trưởng cao và bền vững liên tục đến năm 2045 với ý nghĩa như một con đường tất yếu để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt được các mục tiêu chiến lược.

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng này, Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể đối với ngành du lịch, nhấn mạnh việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, và đặc biệt là việc xây dựng chính sách thị thực phù hợp nhằm thu hút khách quốc tế, các chuyên gia, nhân tài và các tỷ phú đến Việt Nam.

Như vậy, chính sách mở rộng thị thực không chỉ là một giải pháp đơn lẻ mà còn được xem như một phần không thể thiếu trong chiến lược tổng thể, một công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng.

Nhằm giúp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn, các chuyên gia của TAB kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Ban cải cách chính sách thị thực, với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân. Hội đồng này sẽ nghiên cứu và đề xuất các loại thị thực mới, bao gồm:

Thị thực vàng Việt Nam (Vietnam Golden Visa): Thời hạn từ 5 - 10 năm, có thể gia hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nhân quốc tế.

Thị thực đầu tư (Investor Visa): Thời hạn 10 năm, cho phép nhà đầu tư có lộ trình trở thành thường trú nhân sau 5 năm nếu duy trì mức đầu tư nhất định.

Thị thực nhân tài (Talent Visa): Thời hạn 5 năm, với quy trình gia hạn đơn giản, nhằm thu hút chuyên gia công nghệ, nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao.

Chuyên gia của TAB cho rằng, những chương trình này có thể thí điểm tại các thành phố như Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, TAB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến dịch truyền thông quy mô lớn, được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu từ du lịch, để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Kiều Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-can-chinh-sach-thi-thuc-dot-pha-de-thu-hut-gioi-sieu-giau-post340912.html