Việt Nam cần chủ động đàm phán về chính sách thuế để bảo vệ lợi ích quốc gia

Các chuyên gia cho rằng mức thuế suất 46% là quá cao và thời gian chuẩn bị quá gấp. Bối cảnh này, Việt Nam cần 'ứng xử như một nước lớn' phải thích nghi với thay đổi và dẫn dắt sự thay đổi.

Thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng mới, áp mức thuế lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã gây quá nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.

Tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/4, các chuyên gia kinh tế, đại diện bộ, ngành và doanh nghiệp đưa ra những phân tích về tác động của chính sách này đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại và tìm kiếm cơ hội trong thách thức.

Bất ngờ và vượt qua các dự báo

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ năm ngoái đạt gần 150 tỷ USD với thặng dư thương mại lớn nghiêng về Việt Nam. Theo đó, chính sách thuế mới của Hoa Kỳ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2024 là điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông-thủy-hải sản, thép và nhôm.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ trong 5 ngày vừa qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm khó khăn. Việc Hoa Kỳ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là 'đòn' đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ. Cụ thể, ông Hoài cho biết khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành gỗ cùng với một triệu hộ nông dân sẽ bị tác động trực tiếp.

“Nhiều đối tác nhập khẩu đã đề nghị hoãn đơn hàng và khả năng ký đơn hàng mới là rất thấp,” ông Ngô Sỹ Hoài nói.

 Ông Hoài cho biết khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành gỗ cùng với một triệu hộ nông dân sẽ bị tác động trực tiếp.

Ông Hoài cho biết khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành gỗ cùng với một triệu hộ nông dân sẽ bị tác động trực tiếp.

Bên cạnh đó, ngành dệt may đang là một trong ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch hơn 16 tỷ USD và thị trường Hoa Kỳ đang chiếm 35-40% thị phần của ngành.

Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đánh giá chính sách thuế mới của Hoa Kỳ là bất ngờ và vượt xa dự báo. Tuy nhiên, các quốc gia có mặt hàng chịu mức thuế trong lần này là ngang nhau. Ông cho biết Hiệp hội đã có những phân tích nhanh tác động và trước tiên như cầu thụ sẽ suy giảm do giá bán tăng.

“Dữ liệu tính toán của một đại học Hoa Kỳ chỉ ra người tiêu dùng có thể tăng sẽ phải chi trả thêm 3.800 USD sau khi áp dụng chính sách thuế này, dẫn đến nhu cầu của họ sẽ suy giảm (do thói quen tiêu dùng từ tín dụng). Theo đó, dự báo xuất khẩu dệt may đi Hoa Kỳ sẽ giảm từ quý 2 do nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ suy giảm và giá cả tăng lên,” ông Cầm nói.

Tương tự, bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp thủy sản đang rất lo lắng. Tại thời điểm Tổng thống Trump công bố áp thuế (ngày 2/4), Việt Nam đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Hoa Kỳ, do đó các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.

Hơn thế nữa, bà Hằng cho hay các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải gánh thêm nhiều loại thuế khác (như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... ), vì vậy tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF (chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác), do đó mức thuế mới của Hoa Kỳ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp. Bà Hằng nhấn mạnh các doanh nghiệp thủy sản đang e ngại việc sẽ mất thị trường Hoa Kỳ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra...), vì thị trường này chiếm tới 1,8-2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông-ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.

“Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng,” bà Hằng cho biết

"Cần ứng xử như một nước lớn"

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, nhận định mức thuế suất 46% là "không tưởng" và thời gian chuẩn bị quá gấp. Trong bối cảnh này, ông nhấn mạnh Việt Nam cần "ứng xử như một nước lớn" phải thích nghi với thay đổi và dẫn dắt sự thay đổi.

Theo đó, ông Huy đề xuất 4 trụ cột cần thay đổi, đó là chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.

 Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam cần chủ động đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam cần chủ động đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia. (Ảnh: Vietnam+)

Về vấn đề này, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ thêm chính sách thuế này là một phần trong chiến lược "nước Hoa Kỳ trên hết" của Tổng thống Trump với mục tiêu tạo ra một "sân chơi mới" trong thương mại quốc tế, do đó Việt Nam cần chủ động đàm phán để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết cơ quan Thuế đã chủ động lường trước tác động của chính sách thuế mới của Hoa Kỳ và có sự ứng phó nhanh chóng. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm soát hoàn thuế và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-chu-dong-dam-phan-ve-chinh-sach-thue-de-bao-ve-loi-ich-quoc-gia-post1026504.vnp