Việt Nam cần hành động để có được nỗ lực của riêng mình trong cuộc đua AI

'Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) không thể thay thế con người. AI có tác động tích cực hay không tùy thuộc vào mỗi chúng ta'.TS. Padmanabhan Anandan, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo, đã nhìn nhận như vậy trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo CAND tại buổi tọa đàm 'Khoa học vì cuộc sống' do quỹ VinFuture tổ chức.

PV: Cho đến thời điểm này, ông nghĩ AI đã giúp thay đổi thế giới như thế nào?

TS. Padmanabhan Anandan: Một câu hỏi rộng. Nhưng ý tôi là mọi khía cạnh của cuộc sống ngày nay đều được AI chạm đến, từ mua sắm, thuê một chiếc ô tô, giao dịch ngân hàng... đều có thể sử dụng AI. Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị và chẩn đoán y tế được thực hiện bằng AI. Các doanh nghiệp vận hành trên nền tảng AI. Vì vậy, AI đã trở thành một phần của mọi khía cạnh của cuộc sống. Nó đang thay đổi cách chúng ta làm mọi việc chỉ đơn giản bằng cách làm cho những gì chúng ta làm trở nên khác biệt và có thể tốt hơn và hiệu quả hơn. Bây giờ, AI cũng có những hậu quả tiêu cực, nhưng nhìn chung nó đang thay đổi những gì chúng ta làm, cách chúng ta sống.

PV: Đó có phải là tác động tích cực không thưa ông?

TS. Padmanabhan Anandan: AI có tác động tích cực không? Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, phải không? AI là một công cụ, giống như mọi thứ khác. Việc chúng ta sử dụng nó cho tác động tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc vào chúng ta. Thành thật mà nói, nó có thể sẽ là sự kết hợp của cả hai. Nó sẽ có tác động tích cực theo nghĩa là nó giúp chúng ta làm mọi việc tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Và nó cũng cho phép phạm vi tiếp cận lớn hơn. Ví dụ: Những người không có quyền truy cập vào một số dịch vụ nhất định có thể có được dịch vụ đó nhờ AI.

Tuy nhiên, nó cũng được dùng với mục đích tiêu cực. Chúng ta đã biết nó dùng để chia rẽ mọi người, tuyên truyền những thông tin sai sự thật, tin giả. Và nó có thể được sử dụng để thiên vị mọi người theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, nó có thể được sử dụng cho cả hai.

TS. Padmanabhan Anandan- thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo.

TS. Padmanabhan Anandan- thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo.

PV: Có người cảnh báo là AI sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho xã hội con người, và ông nghĩ rằng nhà khoa học có thể kiểm soát điều này hay không?

TS. Padmanabhan Anandan: Bản thân AI không phải là mối đe dọa đối với con người. Bởi vì nó giống như bất kỳ công nghệ nào khác, nó là một công cụ, nó có một lượng kiến thức đáng kinh ngạc, học hỏi từ những gì chúng ta làm và có thể áp dụng nó và làm cho nó tốt hơn.

Ví dụ như trong nghiên cứu khoa học, AI thực sự đang có những tiến bộ vượt bậc. Nhưng nó có thể bị người ta lợi dụng để làm điều xấu. Nó có thể được vũ khí hóa như bất kỳ công cụ nào khác. Vì vậy, mối đe dọa mà tôi không nghĩ đến từ chính AI dù thực tế nó có thể là một vũ khí rất mạnh. Nó có thể là vũ khí mạnh hơn vũ khí hạt nhân vì nó là vũ khí thông tin. Và nó sẽ bị người xấu lợi dụng để làm việc xấu.

Làm thế nào để chúng ta giảm thiểu nó? Không phải các nhà khoa học có thể giảm thiểu nó. Bạn biết đấy, các nhà khoa học có thể làm những việc như giúp phát hiện khi nào AI đang bị sử dụng sai mục đích. Có lẽ khi nó tạo ra thông tin sai lệch, những thứ như vậy. Và nó cũng có thể xây dựng các biện pháp kiểm soát để đảm bảo rằng các câu trả lời mà AI đưa ra là có trách nhiệm hoặc phù hợp với các giá trị đạo đức của chúng ta. Tuy nhiên, xã hội sẽ phải ngăn chặn nó bị sử dụng cho các mục đích xấu.

PV: AI không những thông minh hơn con người mà còn là đối tượng bí ẩn với con người. Vậy thì liệu rằng con người trong tương lai có thể bị hoàn toàn thay thế bởi AI?

TS. Padmanabhan Anandan: AI sẽ không thể thay thế con người bởi vì rõ ràng AI không thể trở thành bộ não của con người. Chúng là những thực thể khác với con người. Chúng là những công cụ được con người thiết kế ra.

Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng AI với chúng ta vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng chúng ta đều hiểu, tất cả những cái phép màu, những điều kỳ diệu đó đều được sinh ra bởi con người và cần được sử dụng vào những mục đích tốt. Điều quan trọng ở đây là con người phải những sự kiểm soát đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Có một điểm nữa rất khác biệt mà AI sẽ không bao giờ có thể thay thế được con người đó là: Con người luôn luôn có tham vọng, có kì vọng và AI chỉ là một hệ thống máy móc và chúng không có tham vọng, kì vọng giống như con người.

TS. Padmanabhan Anandan trong buổi trò chuyện cùng các phóng viên của Việt Nam.

TS. Padmanabhan Anandan trong buổi trò chuyện cùng các phóng viên của Việt Nam.

PV: Nhưng mà AI liệu có thể trở thành mối đe dọa an ninh với nhân loại không? An ninh toàn cầu?

TS. Padmanabhan Anandan: Như tôi cũng đã nói trong câu trước là bản thân Trí tuệ nhân tạo không có một sự khao khát, một tham vọng, kì vọng giống như còn người. Cho nên tự thân chúng sẽ không trở thành cái mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Nhưng mà vấn đề ở đây chúng ta đều phải hiểu toàn cầu nghĩa là gì. Sẽ bao gồm nhiều quốc gia, nhiều chủ thể, nhiều các bên liên quan khác nhau. Và tất nhiên là không một cá nhân, chủ thể nào đó có thể làm chủ được thế giới nhưng vẫn có một xác suất xảy ra, đó là ai đó muốn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào những mục đích xấu. Còn về bản thân AI, chúng không thể trở thành một mối đe dọa vì chúng được thiết kế để phục vụ con người.

Và xin được bổ sung một điểm nữa tại sao tôi muốn nhấn mạnh rằng AI sẽ không trở thành một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, đó chính là vì công nghệ vũ khí sinh học và vũ khí nguyên tử, chính hai điều đó mới là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu chứ không phải là AI.

PV: Ông đánh giá thể nào về cuộc đua AI trên toàn cầu và xu hướng phát triển của AI trong thời gian tới?

TS. Padmanabhan Anandan: Chúng ta đều biết rằng, AI hiện nay đang rất phổ biến. Tất cả các mọi người, các doanh nghiệp đều muốn tham gia vào cuộc đua này, làm cho công nghệ AI ngày càng trở lên hoàn hảo hơn, để chiến thắng cùng AI trên toàn cầu. Trước đây chúng ta biết một công nghệ nữa trong trí tuệ nhân tạo là Deep Learning (học sâu). Công nghệ này được sử dụng trên nhiều lĩnh vực, giám sát và theo dõi. Thực ra, ngay cả bây giờ, trong cộng đồng cũng có người nói rằng, khi chúng ta phát triển quá nhiều công nghệ, người ta sẽ có lúc nghĩ rằng công nghệ đang làm phiền họ. Vậy thì không ai biết chắc được, xu hướng sẽ phát triển cụ thể như thế nào. Nhưng rõ ràng, trong 5 năm tới sẽ là thời điểm chúng ta chứng minh, công nghệ nào sẽ tồn tại và những công nghệ nào sẽ biến mất.

Ví dụ công nghệ chát GPT. Đây là một công nghệ AI hỗ trợ rất mạnh về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, công nghệ chát GPT thì vẫn chỉ bằng tiếng Anh, chưa có tiếng Việt và các ngôn ngữ địa phương khác trong nước Vịet Nam. Trong cuộc đua này, câu chuyện tích hợp tiếng Việt vào trong chát GPT sẽ không tự động xảy ra. Có vẻ các doanh nghiệp lớn không muốn đầu tư vào câu chuyện này, và dường như nó sẽ là một nỗ lực lớn của chính Việt Nam. Đó là điều tôi muốn nói. Việt Nam cần hành động để có được nỗ lực của riêng mình trong cuộc đua AI.

PV: Với tốc độ phát triển của AI trên toàn thế giới như hiện nay, theo ông, với Việt Nam hướng tiếp cận AI thế nào là hợp lý?

TS. Padmanabhan Anandan: Tôi cho rằng có 3 bước chính cần thực hiện. Thứ nhất liên quan đến việc chúng ta phải có một hạ tầng số bền vững để thu thập, lưu trữ, chia sẻ số liệu. Vì dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Nói hạ tầng số thì liên quan đến lĩnh vực của cả tư nhân và đầu tư công. Tuy nhiên, liên quan đến hạ tầng của một quốc gia thì khu vực công vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt câu chuyện chuyển đổi này.

Bước thứ hai là chúng ta phải có một hệ sinh thái toàn diện, thật sôi động. Trong đó các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp sẽ có một môi trường thuận lợi để phát triển đột phá về công nghệ, tạo ra sự đổi mới sáng tạo. Dẫn chứng cho câu chuyện này tối có thể lấy Tập đoàn Vingruop là một ví dụ. Họ cần có sự tham gia chặt chẽ của chính phủ và các bên liên quan, cũng như sự chung tay của cả cộng đồng. Mọi ý tưởng nếu không được ươm mầm, được phát trỉen thì sẽ mãi nằm đó, không trở thành giải pháp để đóng góp cho cộng đồng.

Bước thứ 3 liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế công cộng. Khi chúng ta có một hạ tầng về dữ liệu thì chúng ta phải có tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, y tá điều dưỡng để họ có thể sử dụng những hạ tầng về công nghệ đó để mang lại dịch vụ tốt hơn về sức khỏe cho bệnh nhân.

Tôi nghĩ đó là 3 bước quan trọng mà một đất nước như Việt Nam cần phát triển.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/viet-nam-can-hanh-dong-de-co-duoc-no-luc-cua-rieng-minh-trong-cuoc-dua-ai-i717679/